VKC Holdings đã rà soát sau vụ việc liên quan ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings, và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng.
CTCP VKC Holdings (mã chứng khoán VKC) vừa thông báo tạm hoãn thanh toán lãi trái phiếu đến hạn của công ty.
VKC Holdings mất khả năng thanh toán đối với chủ nợ
Thông báo gửi đến các nhà đầu tư tham gia trái phiếu của VKC Holdings cho biết ngày 9/9/2022 là ngày đến hạn thanh toán lãi trái phiếu lô lô trái phiếu VKCH2123001 phát hành ngày 9/12/2021, tuy nhiên lãnh đạo VKC Holdings quyết định tạm hoãn việc thanh toán lãi trái phiếu với các lý do:
-Sau biến cố của ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings, toàn bộ các Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc của VKC đã từ nhiệm trước thềm ĐHCĐ thường niên năm 2022.
-Ngày 20/7/2022 VKC đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2022 và bầu lại dàn lãnh đạo công ty, bao gồm HĐQT, BKS và Ban Tổng Giám đốc.
-Sau khi có lãnh đạo điều hành mới, VKC đã rà soát lại tình hình tài chính của công ty và nhận thấy có nhiều sai phạm nghiêm trọng của HĐQT, BKS và Ban Tổng Giám đốc tiền nhiệm trong việc quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu nói trên.
-Các sai phạm của lãnh đạo tiền nhiệm đã làm thất thoát tài sản của VKC rất lớn, vì vậy hiện tại công ty đã MẤT KHẢ NĂNG THANH TOÁN ĐỐI VỚI CÁC CHỦ NỢ.
Để đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ và các cổ đông của VKC, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc đang tích cực làm việc với các bên liên quan có quyền lợi và nghĩa vụ trong lô trái phiếu này khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó VKC cũng đã gửi đơn tố giác đến các cơ quan ban ngành có thẩm quyền để xử lý.
Mục đích phát hành trái phiếu để mua cổ phần Toccoo Việt Nam
Trước đó cuối năm 2021 Cáp Nhựa Vĩnh Khánh thông qua việc phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để mua lại toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của CTCP Louis Land tại Công ty TNHH Toccoo Việt Nam (tương ứng 85% vốn điều lệ). Đây là trái phiếu tạo lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng kể từ ngày phát hành. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ 3 tháng/lần.
Trong phương án phát hành, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này gồm 2 phần:
-Tài sản 1 là Nhà máy đã Bình Thuận, bao gồm toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên thửa đấy số 337, tờ bản đồ số 29 tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Đá Thạch Anh cao cấp BIDICO.
-Tài sản số 2 gồm quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 1, tờ bản đồ số 15, tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, thuộc sở hữu của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang.
Kiểm toán ghi nhận VKC Holdings "sử dụng tiền sai mục đích"
Nhắc đến cái tên VKC Holdings, nhà đầu tư đã dần quen thuộc, nhưng cái tên trước đó còn quen thuộc hơn là CTCP Cáp nhựa Vĩnh khánh. Công ty mới đổi tên từ tháng 12/2021. Dàn lãnh đạo hiện tại của công ty mới được bổ nhiệm vào tháng 7/2022 vừa qua. Còn dàn lãnh đạo tiền nhiệm chủ yếu cũng mới chỉ có thời gian làm việc nửa năm, từ tháng 12/2021 đến cuối tháng 6/2022.
Đáng chú ý, đối với lô trái phiếu nói trên, tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, kiểm toán viên có đưa ra cơ sở của kết luận kiểm toán ngoại trừ. Trong đó ghi nhận việc công ty đã sử dụng tiền không đúng mục đích.
Cụ thể, thuyết minh mô tả dòng tiền chi ra từ đợt phát hành trái phiều này (mua lại toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của CTCP Louis Land tại Công ty TNHH Toccoo Việt Nam tương ứng 85% với số tiền 80,8 tỷ đồng; các khoản chi không đúng mục đích theo bản công bố thông tin, số tiền gần 35 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này cũng "có vấn đề"
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này theo bản công bố thông tin có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu của CTCP Xuất nhập khẩu An giang. Tuy vậy tài sản này chưa được thực hiện ký 3 bên giữa Công ty với XNK An Giang và tổ chức với tư cách là bên nhận tài sản đảm bảo.
Vậy câu hỏi đặt ra là, với việc không đảm bảo được tài sản đảm bảo đã được thực hiện ký kết 3 bên, tại sao lô trái phiếu vẫn được phát hành thành công?
Kết quả kinh doanh ghi nhận 6 tháng đầu năm 2022 VKC Holdings lỗ 191 tỷ đồng sau thuế. Vốn chủ sở hữu còn gần 53 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 200 tỷ đồng.
Nhiều vấn đề tồn tại trên Báo cáo tài chính soát xét
Đáng chú ý, so với báo cáo tài chính quý 2/2022 công ty tự lập trước đó thì báo cào tài chính soát xét có nhiều điều chỉnh. Những điều chỉnh lớn trên BCTC sau soát xét tập trung vào chi phí quản lý doanh nghiệp và thu nhập khác. Trong đó chỉ tiêu chi phí quản lý doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 13,8 tỷ đồng trước đó lên thành 82,5 tỷ đồng, tương ứng điều chỉnh tăng gần 69 tỷ đồng sau soát xét – chủ yếu do công ty phải trích lập dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 65 tỷ đồng.
Còn chỉ tiêu chi phí khác ảnh nhưởng nhiều nhất, điều chỉnh tăng từ dưới 1 tỷ đồng theo số liệu trên BCTC quý 2/2022 lên đến 102,8 tỷ đồng – tương ứng điều chỉnh tăng hơn 102 tỷ đồng – đây chính là do công ty phải ghi nhận khoản giá trị tồn kho thiếu không xác định được.
Những yếu tố trên tác động khiến cho chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trên BCTC sau soát xét ghi lỗ hơn 191 tỷ đồng trong khi BCTC quý 2/2022 ghi nhận luỹ kế 6 tháng đầu năm VKC Holdings lỗ hơn 24,6 tỷ đồng – tương ứng chênh lệch hơn 166 tỷ đồng sau soát xét.
Thiếu đến trăm tỷ đồng hàng tồn kho, VKC Holdings phải điều chỉnh lỗ thêm 166 tỷ đồng