VN-Index tăng mạnh, vì sao cổ đông POW vẫn chưa có lời?
Trong khi cổ phiếu POW (PV Power) đi ngang vùng 12.x - 13.x đồng, các mã SAB, BCM thậm chí khiến tài khoản nhà đầu tư hao hụt đáng kể.
Kết phiên 27/7, VN-Index dù giảm nhẹ và mất mốc 1.200 điểm song chưa thể khẳng định nhịp điều chỉnh đã được kích hoạt.
Thực tế, chỉ số đại diện thị trường đã có nhịp tăng dài 3 tháng qua (+161 điểm - tương đương 15,8%). Nếu tính từ đầu tháng 3, VN-Index tăng 12,5% từ mức gần 1.065 điểm.
Trong cùng thời gian, không ít cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 đã tăng mạnh hàng chục % và lập đỉnh lịch sử trong đó VCB  tăng 19,8% lên mức 92.700 đồng/cp; FPT  tăng 23,1% lên 83.700 đồng/cp.
Dù không lập đỉnh song nhiều bluechip khác vẫn đang trong nhịp hồi mạnh từ đáy với MWG (+41,7%, mức 54.100 đồng), NVL  (+40,6%, mức 17.850 đồng), PDR  (+76%, mức 22.000 đồng), SSI (+42,3%, mức 29.450 đồng), MBB  (+20,2%, mức 18.600 đồng), HPG (+36,5%, mức 28.400 đồng),...
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cổ phiếu gần như đứng yên hoặc lao dốc trong cùng thời điểm, tạo cảm giác chán nản cho cổ đông sở hữu trong đó nổi bật là VNM  (+1,7%, mức 75.700 đồng), SAB  (-12,4%, mức 160.200 đồng), BCM (-5,3%, mức 78.500 đồng).
Không phải các mức giảm giá của SAB hay BCM, gây thất vọng nhất trong khoảng thời gian này phải kể đến cổ phiếu POW  của Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power khi chỉ tăng từ 13.200 đồng lên 13.300 đồng/cp (+0,8%).
Nói cách khác, cổ phiếu này gần như đi ngang với các tín hiệu tăng giảm mờ nhạt cùng lượng giao dịch suy yếu.
Suốt 5 tháng qua, cổ phiếu POW chủ yếu sideway trong vùng 12.x - 13.x đồng. Hơn 1 tháng trở lại đây, dòng tiền lớn bắt đầu giao dịch chậm lại và các động thái mua bán của nhà đầu tư nhỏ lẻ gia tăng.
Phiên 26/7, POW xuất hiện 1 cây nến tăng cùng thanh khoản đột biến hơn 27,1 triệu cổ phiếu. Có thời điểm mã cho tín hiệu mua vào khi giá chạm 13.800 đồng/cp. Tuy nhiên, áp lực bán xuất hiện ngay sau đó khiến biên độ tăng thu hẹp còn +2,3%, mức 12.550 đồng/cp.
Đóng cửa phiên 27/7, cổ phiếu POW giảm trở lại mức 1,8% về 13.300 đồng.
Gần 5 tháng nắm giữ POW là quãng thời gian không mấy dễ chịu của nhà đầu tư với những phiên tăng/giảm lắt nhắt cùng những phiên "quay xe" đầy bất ngờ trong 15 phút ATC. Rộng hơn, POW vẫn chủ yếu biến động quanh vùng giá 13.x đồng kể từ khi niêm yết hồi tháng 1/2019 đến nay.
Hiện chỉ báo RSI cho thấy dòng tiền chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc ở cổ phiếu POW. Bù lại, đồ thị giá vẫn đang được hỗ trợ bởi đường EMA 200 (mốc 13.000 đồng).
Chuyện khó của PV Power...
Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với 8.544 tỷ đồng doanh thu và 181 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 13% và giảm 69% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi thấp nhất 6 quý trở lại đây.
Theo giải trình, quý 2/2022 POW ghi nhận doanh thu chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện nhà máy điện Vũng Áng 6 tháng cuối năm 2018 trong khi quý 2 năm nay không còn ghi nhận.
Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện đều sụt giảm sản lượng do lưu lượng nước về hồ thấp dẫn đến doanh thu thủy điện giảm trong khi đó giá vốn tăng cao.
PV Power từng chia sẻ đang đối mặt một số vướng mắc liên quan đến việc thu xếp vốn, đấu nối, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), đàm phán hợp đồng mua bán khí (GSA) tại Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4; việc huy động chạy dầu DO trong đợt cao điểm huy động điện phát sinh nhiều vấn đề như chi phí tăng, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, máy móc,...
Đáng chú ý, PV Power cũng cho biết đang gặp khó khăn với việc thu hồi công nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - hiện số tiền nợ đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 6, EVN từng cho biết số nợ vay tại các đơn vị thành viên là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao.
Cùng với sự đi xuống của lợi nhuận, có thể thấy khoản nợ phải trả của EVN cũng đang trở thành tác nhân khiến cổ phiếu POW chưa thể bứt tốc.
Xem thêm: Cổ phiếu NVL (Novaland): Dòng tiền tạo lập trở lại sau gần 1 năm vắng bóng
Nhận định chứng khoán 7/1: Cân nhắc khả năng VN-Index tiếp tục điều chỉnh 
3 cổ phiếu chứng khoán rơi về vùng đáy 1 năm trong ngày VN-Index đỏ lửa