VnDirect đang ôm 9.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 1.300 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Phiên hôm qua 6/7 thị trường chứng khoán bất ngờ chứng kiến cảnh cổ phiếu VND  của Chứng khoán VnDirect giảm sàn, hơn 106 triệu cổ phiếu giao dịch với gần 2.000 tỷ đồng. Thống kê cho thấy có hơn 59.100 lệnh đặt mua và gần 27.600 lệnh đặt bán với cổ phiếu này.
Con số đột biến ở mọi chỉ số khiến nhà đầu tư muốn tìm hiểu nguyên do vì đâu. Câu trả lời gần nhất có thể là do nhà đầu tư đang nhìn đến áp lực trả nợ ngắn hạn của VnDirect.
VnDirect – hành trình tăng vốn thần tốc
Chứng khoán VnDirect thành lập tháng 11/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Ngay khi thành lập, quy mô vốn, quy mô hoạt động của VnDirect còn thua xa những công ty chứng khoán lúc đó như Chứng khoán SSI , Chứng Khoán châu Á – Thái Bình Dương (API )… Mãi đến năm 2010 VnDirect mới tiến hành đợt tăng vốn quy mô nhất, lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Chỉ vài năm gần đây VnDirect mới được nhắc tới nhiều trong việc tăng vốn thần tốc. Năm 2021 công ty bất ngờ tăng vốn thêm 175% từ 2.124 tỷ đồng lên trên 5.800 tỷ đồng. Năm 2022 tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi, đạt 12.178 tỷ đồng.
Năm 2021 cũng là năm lần đầu tiên VnDirecr dẫn đầu về thị trường môi giới trên sàn giao dịch HNX. Trong năm 2022, VnDirect cho biết đã phục vụ thêm hơn 190.300 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, tăng trưởng hơn 28% so với năm 2021 và chiếm gần hơn 17% thị phần số tài khoản nhà đầu tư cá nhân toàn thị trường.
Cùng với vốn điều lệ tăng, tài sản của VnDirect cũng tăng nhanh chóng, và song hành với đó là nợ phải trả tăng theo. Tính đến 31/12/2022 tổng tài sànVnDirect đạt gần 38.900 tỷ đồng, nợ phải trả 24.300 tỷ đồng.
Tăng vốn thần tốc trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của VnDirect cũng biến động mạnh. Ở chiều hướng tích cực, từ năm 2015 đến nay VNDirect chưa từng báo lỗ trở lại. Trước đó trong 4 năm từ 2011 đến 2014, VnDirect đã có đến 3 năm thua lỗ. Còn từ 2019 trở về trước lợi nhuận chưa từng vượt 500 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2020, 2021 và 2022 là 3 năm liên tiếp doanh thu VnDirect tăng mạnh, đặc biệt năm 2021 vượt 6.000 tỷ đồng và năm 2022 doanh thu vượt 6.800 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu năm 2022 của VnDirect, doanh thu hoạt động môi giới tăng nhẹ so với năm 2021, đạt 2.850 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng doanh thu hoạt động kinh doanh của công ty. Các hoạt động kinh doanh nguồn vốn và các bộ phận khác đạt hơn 700 tỷ đồng. Tự doanh mới là mảng đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất, đến xấp xỉ 47%.
Tuy vậy đầu tư không mang về quả ngọt, mảng dịch vụ môi giới góp 44% vào tổng doanh thu nhưng đưa về 92% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thuế. Trong khi đó mảng tự doanh góp 47% doanh thu nhưng ghi lỗ hơn 92 tỷ đồng.
Lấn sân đầu tư trái phiếu, VnDirect đang nhận quả đắng
Danh mục tài sản tài chính FVTPL của Chứng khoán VnDirect đến 31/3/2023 có giá trị 20.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 8.300 tỷ đồng là chứng chỉ tiền gửi. Khoản đầu tư nhiều nhất là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với hơn 9.800 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đã niêm yết và chưa niêm yết.
Trên thực tế, VnDirect cũng mới gia tăng tỷ trọng đầu tư trái phiếu trong vài năm trở lại đây. Năm 2019 tổng giá trị tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của VNDirect gần 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu.
Năm 2020 giá trị đầu tư vào trái phiếu bắt đầu phát sinh với số dư cuối năm khoảng hơn 900 tỷ đồng và tăng lên thành 4.400 tỷ đồng vào cuối năm 2021 - thời điểm này VnDirect chưa phân định bao nhiêu trong số đó là trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2022 vừa qua, riêng giá trị tài sản FVTPL là trái phiếu doanh nghiệp lên đến 9.800 tỷ đồng. Mảng tự doanh - mảng kiếm tiền chủ lực của công ty suy giảm rõ rệt. Tổng dư nợ cho vay margin đến hết năm 2022 còn hơn 8.700 tỷ đồng, giảm 60% so với thời điểm đầu năm. Cùng với đó dư nợ cho vay hoạt động ứng trước tiền bán của khách hàng giảm đến 60%.
VnDriect đang gánh nặng nợ vay
Báo cáo tài chính cho thấy tính đến 31/3/2023 tổng nợ phải trả của VnDirect là 22.374 tỷ đồng, giảm được gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 18.400 tỷ đồng và vay dài hạn 400 tỷ đồng trái phiếu.
Tính chung, tổng nợ tài chính của VnDirect hơn 18.800 tỷ đồng, trong số đó có 1.450 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn và dài hạn. Chủ nợ lớn nhất của VnDirect là Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam BIDV với 4.687 tỷ đồng.
Vietcombank là chủ nợ lớn thứ 2 với gần 3.700 tỷ đồng dư nợ. Mới đây VnDirect cho biết đã thông qua gói vay 10.000 tỷ đồng với Vietcombank, và sẽ dùng những tài sản có thanh khoản tốt nhất để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Số nợ còn lại đến từ Vietinbank, vay hợp vốn và “các ngân hàng, đối tượng khác”. VnDirect không liệt kê cụ thể là những đối tượng nào.
Áp lực trả nợ ngắn hạn có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu VND đỏ lửa phiên hôm qua 6/7 với khối lượng giao dịch đột biến hơn 106 triệu đơn vị, tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng. Tính chung 10 phiên giao dịch gần đây nhất VND có đến 6 phiên giảm điểm, chỉ 3 phiên tăng và 1 phiên đóng cửa ở tham chiếu.
Biến động nhân sự: bà Phạm Minh Hương rời ghế Chủ tịch HĐQT
Cuối tháng 4/2023 vừa qua VnDirect có biến động lớn về nhân sự khiến thị trường chứng khoán quan tâm. Bà Phạm Minh Hương  rời ghế vị trí Chủ tịch HĐQT - chiếc ghế bà đã ngồi suốt 17 năm kể từ khi VnDirect được thành lập (2006).
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect kể từ khi thành lập (năm 2006) |
Tân chủ tịch VnDirect là ông Nguyễn Vũ Long - người có 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Ông Nguyễn Vũ Long cũng đã gắn bó với VnDirect hơn 7 năm qua, từng kinh qua vị trí cao nhất là Quyền Tổng Giám đốc, từ tháng 11/2021
Ông Nguyễn Vũ Long, tân Chủ tịch VNDirect |
Lần thay đổi nhân sự này, ông Nguyễn Vũ Long lên làm Chủ tịch HĐQT, chuyển giao chiếc ghế Tổng Giám đốc cho bà Phạm Minh Hương. Theo đó, bà Phạm Minh Hương sẽ đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Việc thay đổi lãnh đạo cấp cao theo hình thức "hoán đổi" hau vị trí lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp càng khiến giới chuyên môn quan tâm.