Vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng tạo ra 'cây cầu nối' với mục tiêu xoá bỏ mọi rào cản trong khoa học đang trở thành động lực cho sự đột phá
‘Cây cầu’ này đang nỗ lực xây dựng mối liên kết mạnh mẽ giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và thế giới.
Giáo sư Rachid Yazami, người đạt Giải thưởng Chính VinFuture 2023, gần đây đã chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ và nhận định tích cực về chuỗi hội thảo trực tuyến InnovaTalk do Quỹ VinFuture tổ chức, nhấn mạnh rằng đây là nền tảng hữu ích cho các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế trao đổi kiến thức và mở rộng hợp tác nghiên cứu.
GS. Yazami, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ pin, bày tỏ sự ấn tượng với VinFast sau các buổi thảo luận, đánh giá rằng công ty này sở hữu một đội ngũ lý tưởng cho các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Ông chia sẻ: "Tôi nhận thấy không thể tìm thấy một đội ngũ tốt hơn để hợp tác, bởi tất cả đều thuộc cùng một tổ chức, với quyết tâm và tinh thần hợp tác mạnh mẽ". Giáo sư Yazami nhấn mạnh, sự liên kết này là một mô hình lý tưởng, khác biệt hoàn toàn với việc phải hợp tác rời rạc giữa các công ty sản xuất pin và xe điện – nơi mà các bên khó trao đổi thông tin một cách hiệu quả.
GS. Rachid Yazami, Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2023 |
Ông Yazami cũng nhận định, chuỗi hội thảo InnovaTalk không chỉ tạo cơ hội cho các chuyên gia trao đổi về công nghệ pin mà còn giúp các bên tập trung thảo luận về những thách thức an toàn trong lĩnh vực này. “Trong lĩnh vực xe điện và lưu trữ năng lượng xanh, an toàn luôn là vấn đề cốt lõi. Chúng tôi đã phát triển những giải pháp giúp giảm rủi ro xuống từ 50% đến 80%, và tôi tin rằng đây sẽ là một hướng hợp tác khả thi với các đối tác tại Việt Nam”.
Không chỉ dừng lại ở các buổi thảo luận công nghệ, VinFuture còn nỗ lực xây dựng mối liên kết mạnh mẽ giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và thế giới. Tại hội thảo InnovaTalk tháng 10/2024, TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), đã nhấn mạnh rằng các hoạt động của VinFuture đem lại cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam giới thiệu nghiên cứu của mình, học hỏi và giao lưu với chuyên gia quốc tế. “Giải thưởng VinFuture không chỉ là động lực cho các nhà khoa học trong nước, mà còn tạo cơ hội để họ tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới, phục vụ cho sự phát triển dài hạn của đất nước.”
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng nhận xét rằng VinFuture là nơi kết nối các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng và đột phá khoa học ở Việt Nam. Ông Sơn chia sẻ: "VinFuture có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy công nghệ cao tại Việt Nam. Đội ngũ chuyên gia uy tín mà Quỹ kết nối đã tạo ra nội lực mạnh mẽ để Việt Nam đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại".
InnovaTalk không chỉ là nơi các chuyên gia chia sẻ nghiên cứu mà còn là cầu nối giữa các nhà khoa học quốc tế để cùng nhau khám phá những hướng đi mới trong công nghệ. Ông Dương Quang Tiến, Kỹ sư trưởng về pin tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, chia sẻ về cơ hội hợp tác mới với Giáo sư Xuejie Huang từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc về các vật liệu mới cho pin lithium-ion. Ông Tiến cho biết: “Tôi nhận thấy tiềm năng hợp tác với Giáo sư Huang trong việc khám phá những lợi ích của cathode lai và công nghệ pin natri-ion”.
Phó Giáo sư Lê Hoàng Sơn cũng đã tận dụng cơ hội tham gia các hội thảo InnovaTalk để trao đổi trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu về AI như Tiến sĩ Xuedong Huang của Zoom Video Communications và Tiến sĩ Eric Horvitz của Microsoft. “InnovaTalk đã tạo ra một mối quan hệ hai chiều, giúp tôi mở rộng kết nối với các nhà khoa học khác ngành, từ đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng của Trí tuệ Nhân tạo vào đời sống”, ông Sơn chia sẻ.
Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất. Ảnh: VinFuture prize |
VinFuture không chỉ là một giải thưởng quốc tế mà còn mang trong mình khát vọng dài hạn để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ Việt Nam. Các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao các sự kiện của VinFuture như là “nền tảng để thảo luận và học hỏi” từ đồng nghiệp, đồng thời giới thiệu những tiến bộ của mình đến thế hệ kế tiếp. Giáo sư Xuejie Huang cho biết, ông mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác và kết nối với các nhà khoa học Việt Nam qua nền tảng mà VinFuture cung cấp.
Theo TS. Cao Đức Phát, “Những hoạt động kết nối của VinFuture là rất đáng quý, đem đến nền tảng để các nhà khoa học toàn cầu có thể cùng thảo luận về những vấn đề và giải pháp hiện hữu, góp phần thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đạt hiệu quả cao hơn”.
Quỹ VinFuture là một quỹ hoạt động phi lợi nhuận tại Việt Nam. Quỹ được thành lập vào ngày 20/12/2020 với kinh phí hoạt động ban đầu được cam kết là 2.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD từ Ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân là Bà Phạm Thu Hương. Quỹ đặt mục tiêu xoá bỏ mọi rào cản trong khoa học, hỗ trợ những cá nhân xuất sắc phát triển và tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi người.
>> Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á