Tài chính Ngân hàng

Vụ án 1.000 tỷ đồng tại Trung Nam Thuận Nam: Đề nghị truy tố 12 bị can, 3 cựu lãnh đạo cấp cao thoát vòng lao lý

Mạnh Cường 02/01/2025 - 13:57

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ tại Trung Nam Thuận Nam, 3 cựu lãnh đạo cấp cao được xác định "không vụ lợi".

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận bổ sung lần thứ ba trong vụ án liên quan đến hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương liên quan đến nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Kết luận vẫn giữ nguyên đề nghị truy tố 12 bị can, trong đó có ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiêm cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, và ông Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Hai bị can bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, tham mưu ban hành quy định sai phạm, gây thiệt hại hơn 1.043 tỷ đồng cho EVN.

Vụ án 1.000 tỷ đồng tại Trung Nam Thuận Nam: Đề nghị truy tố 12 bị can, 3 cựu lãnh đạo cấp cao thoát vòng lao lý
Bị can Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương (bên trái), bị can Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (bên phải), Bộ Công Thương. Ảnh: ANTD

>> Lo bất cập khi điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần

Ba lãnh đạo không bị xử lý hình sự

Đối với ông Trần Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2016-2021, cơ quan điều tra xác định ông đã phân công bị can Hoàng Quốc Vượng phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, chịu trách nhiệm xây dựng Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo điều chỉnh dự thảo này, mở rộng đối tượng hưởng chính sách giá điện ưu đãi trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP.

Dù ký 6 tờ trình, báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ông Trần Tuấn Anh không biết về sự điều chỉnh sai lệch này. Đồng thời, không có chứng cứ cho thấy ông có động cơ vụ lợi, nên ông không bị xem xét xử lý hình sự.

Ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng, được xác định chịu trách nhiệm xây dựng và ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg theo phân công của Thủ tướng Chính phủ. Tin tưởng vào quá trình xây dựng, thẩm định từ các cơ quan liên quan, ông không nhận ra khoản 3, Điều 5 của quyết định này trái với Nghị quyết 115. Cơ quan điều tra không tìm thấy chứng cứ cho thấy ông nhận lợi ích vật chất hoặc có động cơ vụ lợi, nên ông cũng không bị xử lý hình sự.

Đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông đã ký hai tờ trình và tham dự một cuộc họp do ông Trịnh Đình Dũng chủ trì, liên quan đến dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, ông không trực tiếp chỉ đạo thẩm tra dự thảo và không biết dự thảo vi phạm Nghị quyết 115. Không có bằng chứng cho thấy ông nhận lợi ích vật chất hoặc làm trái quy định, nên ông cũng không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Lợi dụng chức vụ khi tham mưu chính sách

Năm 2017, sau khi dự án điện hạt nhân bị hủy, Chính phủ khuyến khích phát triển điện mặt trời với mức giá ưu đãi 9,35 UScents/kWh, áp dụng đến hết tháng 6/2019. Trong giai đoạn này, Bộ Công Thương và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã phê duyệt hàng loạt dự án điện mặt trời.

Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (đại diện bởi ông Nguyễn Tâm Thịnh) được bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, công suất 50 MW, vào quy hoạch. Tuy nhiên, Nghị quyết 115 ban hành năm 2018 quy định các dự án tại Ninh Thuận chỉ được hưởng giá ưu đãi đến hết năm 2020 nếu đáp ứng các tiêu chí cụ thể. Dự án Trung Nam Thuận Nam không đủ điều kiện nhưng vẫn được Bộ Công Thương trình phê duyệt.

Ông Hoàng Quốc Vượng và ông Phương Hoàng Kim đã thay đổi nội dung dự thảo Quyết định số 13/2020 để mở rộng diện đối tượng hưởng giá ưu đãi, dẫn đến hai dự án không đủ điều kiện, bao gồm Solar Farm Nhơn Hải và Trung Nam Thuận Nam, vẫn nhận ưu đãi. Điều này gây thiệt hại hơn 1.043 tỷ đồng, riêng dự án Trung Nam Thuận Nam chiếm 944 tỷ đồng.

Tháng 4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 13/2020, trong đó có nội dung trái với Nghị quyết 115. Sau quyết định này, Ninh Thuận có 30 dự án được hưởng giá ưu đãi, bao gồm hai dự án không đủ điều kiện.

Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm chính thuộc về ông Hoàng Quốc Vượng và các đồng phạm, đồng thời đề nghị truy tố 12 bị can liên quan. Vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh về quản lý và giám sát các dự án năng lượng tái tạo.

>> Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận 1,5 tỷ để giúp Trung Nam hưởng ưu đãi giá điện, gây thiệt hại gần nghìn tỷ đồng cho EVN

Lật tẩy đường dây chuyển lậu 4.000 tỷ qua 9 công ty ‘ma’: Vì sao vụ án được trả hồ sơ?

Khởi tố thêm 9 bị can trong vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-an-1000-ty-dong-tai-trung-nam-thuan-nam-de-nghi-truy-to-12-bi-can-3-cuu-lanh-dao-cap-cao-thoat-vong-lao-ly-269194.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vụ án 1.000 tỷ đồng tại Trung Nam Thuận Nam: Đề nghị truy tố 12 bị can, 3 cựu lãnh đạo cấp cao thoát vòng lao lý
    POWERED BY ONECMS & INTECH