Vụ án Vạn Thịnh Phát: Cựu TGĐ SCB bật khóc tại tòa, khẳng định không nhúng tay chạy dòng tiền khống
Ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) bị cáo buộc là đồng phạm, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 28.469 tỷ đồng của 35.818 bị hại.
Vào ngày 20/9/2024, TAND TP. HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Đây là phần vụ án nằm trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.
Theo cáo buộc, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với Trương Mỹ Lan  và là đồng phạm, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan hoàn thành việc bán trái phiếu, chiếm đoạt số tiền hơn 28.469 tỷ đồng của 35.818 bị hại.
Trình bày tại tòa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai làm việc tại SCB từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2020 thì nghỉ việc. Bị cáo Văn thừa nhận các con số mà cáo trạng quy kết.
Tiếp đó, bị cáo Văn khai bị cáo Lan đã mời Văn cùng cựu Chủ tịch SCB Đinh Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Tân Việt Nguyễn Tiến Thành và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Hồ Bửu Phương đến cùng ăn cơm trưa để bàn về việc phát hành trái phiếu.
Tại bữa cơm, bị cáo Lan ra chủ trương đồng ý cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của SCB và giao cho 5 cá nhân trên chủ động nghiên cứu thực hiện.
Bị cáo Văn cho biết mình không có chuyên môn về lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu, mà chỉ tập trung vào công tác điều hành SCB. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận đã đại diện SCB phối hợp với Nguyễn Tiến Thành, đại diện của TVSI để xây dựng chương trình đào tạo cho nhân viên, giúp họ tư vấn và giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với TVSI và SCB. Sau đó, bị cáo đã tổ chức các khóa đào tạo cho toàn hệ thống với 2.479 nhân viên tại 239 chi nhánh và phòng giao dịch.
Hình ảnh bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) tại phiên tòa xét xử (Nguồn ảnh: Nguyễn Tiến) |
Cơ quan điều tra cũng xác định rằng cựu Tổng Giám đốc SCB đã chỉ đạo Khối Ngân hàng bán lẻ triển khai công tác bán hàng, đào tạo về sản phẩm mới, cùng các chính sách hoa hồng và thi đua cho Giám đốc và nhân viên các chi nhánh, nhằm giới thiệu khách hàng cho các đơn vị kinh doanh.
Bị cáo thừa nhận rằng mỗi ngày SCB chỉ bán được vài chục tỷ đồng trái phiếu, nhưng bà Nguyễn Phương Hồng đã tạo ra các giao dịch ảo để kích thích sự tham gia của các nhà đầu tư.
Khi được hỏi về nhận thức của mình, bị cáo Văn nghẹn ngào bật khóc rồi trình bày ở thời điểm phát hành trái phiếu, bị cáo chỉ nghĩ là tăng thu nhập, khai thác nguồn tài nguyên khách hàng của SCB đã gầy dựng nhiều năm qua.
"Khi xảy ra sự cố này, bị cáo rất đau lòng, không nghĩ sẽ gây tác hại quá lớn cho quá nhiều người. Bản thân bị cáo vô cùng đau lòng", bị cáo Văn nói.
Về việc chạy dòng tiền khống tạo lập trái phiếu, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn trình bày, không biết, không tham gia chỉ đạo các nhân viên SCB  ký khống các chứng từ để chạy dòng tiền. Cựu Tổng Giám đốc SCB khẳng định quá trình thực hiện công việc tại SCB, bị cáo chỉ được trả lương hằng tháng và không có thêm quyền lợi gì.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bị tuyên mức án chung thân về tội tham ô tài sản, 19 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là chung thân.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 lãnh đạo cấp cao Ngân hàng SCB chỉ đạo lập 600 công ty ma