Vụ CEO công ty bảo hiểm bị bắn chết ngay giữa ban ngày: Dòng chữ khắc trên viên đạn tiết lộ cuộc chiến của dân Mỹ với hệ thống bảo hiểm y tế
Sự phẫn nộ của người dân Mỹ đã leo thang thành bạo lực sau nhiều năm các công ty bảo hiểm y tế "phủ nhận, biện hộ, trì hoãn" chi trả cho những người thực sự cần bảo hiểm.
Hôm 5/12, nước Mỹ chấn động với vụ việc CEO Brian Thompson của hãng bảo hiểm UnitedHealthcare bị bắn chết ngay giữa ban ngày trên đường phố ở New York. Tại hiện trường, cảnh sát đã tìm thấy vỏ đạn được khắc các từ "phủ nhận," "biện hộ" và "trì hoãn". Đáng nói, đây chính là những từ ngữ mà các công ty bảo hiểm y tế dùng để từ chối chi trả cho những người đang cần khoản tiền bảo hiểm nhất.
Do đó, vụ việc không chỉ khiến các công ty phải tăng cường an ninh mà còn là minh chứng rõ ràng nhất cho những mâu thuẫn dai dẳng giữa khách hàng và hệ thống bảo hiểm. Vấn đề nhức nhối này một lần nữa đang trở lại tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ.
Những cụm từ này quen thuộc với những ai từng gặp phải rắc rối với hệ thống bảo hiểm. Chúng thường được các nhóm hỗ trợ bệnh nhân và luật sư nguyên đơn sử dụng để chỉ trích chiến lược "từ chối, trì hoãn và biện hộ" của các công ty bảo hiểm – một cách nói khái quát về các biện pháp cắt giảm chi phí mà nhiều người cho là bất công.
"Đây là một thực tế phổ biến," luật sư Paul Napoli, người từng kiện nhiều công ty bảo hiểm lớn, bao gồm UnitedHealthcare, nhận định. "Các công ty thường tìm mọi cách để từ chối bảo hiểm".
Vụ sát hại ông Thompson – lãnh đạo của công ty bảo hiểm y tế lớn nhất Hoa Kỳ – đã làm bùng nổ làn sóng giận dữ đối với cách các công ty từ chối cung cấp dịch vụ trong lúc khách hàng cần nhất. Trong khi cảnh sát xác nhận vụ tấn công mang tính chất có chủ đích, động cơ của hung thủ vẫn chưa được xác định.
Nhiều người Mỹ từng trải qua cảnh “cùng đường bí lối” khi tranh đấu pháp lý với các công ty bảo hiểm đã đồng cảm sâu sắc với vụ án này. Những câu chuyện cá nhân về việc phải gánh hàng nghìn USD chi phí y tế do công ty từ chối chi trả đã khơi dậy sự bất bình trong cộng đồng.
Trên mạng xã hội, nhiều người không giấu sự bất bình với người đàn ông xấu số, đúng hơn là với nền công nghiệp đã gián tiếp hại chết nạn nhân. Một người dùng TikTok bình luận: "Không có sự cảm thông nào dành cho một người giàu lên từ những chính sách khiến người vô tội phải chết vì không được bảo hiểm."
Thậm chí, ngay sau vụ việc, một đồng tiền số mang tên DDD (viết tắt của "Deny, Defend, Depose") đã ra mắt trên thị trường trên trang giao dịch tiền điện tử Dexscreener có vốn hóa khoảng 2 triệu USD.
"Bảo hiểm y tế để làm gì?"
Các công ty bảo hiểm y tế  đang đứng trước áp lực gay gắt khi các hoạt động kiểm soát chi phí của họ ngày càng bị chỉ trích gay gắt. Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy những hạn chế trong quy trình phê duyệt trước đã gây ra những hậu quả đáng báo động.
Theo khảo sát với 1.000 bác sĩ đang hành nghề, số liệu cho thấy những tác động tiêu cực rõ rệt: Gần 25% bác sĩ khẳng định quy trình phê duyệt trước dẫn đến sự kiện bất lợi nghiêm trọng cho bệnh nhân. Đáng chú ý hơn, 78% cho rằng quy trình này đôi khi buộc bệnh nhân phải từ bỏ điều trị, và 94% cho biết nó gây chậm trễ trong việc chăm sóc y tế.
Báo cáo của tổ chức nghiên cứu KFF cho thấy thực trạng còn nghiêm trọng hơn. Trong năm 2022, gần như tất cả khách hàng Medicare đều phải trải qua quy trình xin phép cho các dịch vụ y tế . Đáng báo động là khoảng 10% trong số 46 triệu yêu cầu đã bị từ chối.
Các công ty bảo hiểm có tỷ lệ từ chối khác nhau, dao động từ 4% đến 13%. UnitedHealthcare vừa có CEO bị bắn chết, ở mức trung bình với 7,4% các yêu cầu bị từ chối.
Hệ quả nghiêm trọng nhất là tình trạng bạo lực tại nơi làm việc của nhân viên y tế. Theo Cục Thống kê Lao động, nhân viên y tế và hỗ trợ xã hội phải chịu mức độ bạo lực cao nhất so với mọi ngành nghề, với khoảng 14 trường hợp trên 10.000 nhân viên toàn thời gian, so với mức trung bình 2,9 trường hợp ở các ngành khác.
Cụm từ "từ chối, trì hoãn và biện hộ" đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc trong giới bảo hiểm, xuất hiện từ nhiều năm trước. Một minh chứng điển hình là vụ kiện năm 2008 của bang Louisiana chống lại các công ty bảo hiểm và hãng tư vấn McKinsey.
Trong vụ kiện này, Louisiana cáo buộc các bị đơn đã thành lập một "tổ hợp" nhằm hạn chế cạnh tranh một cách bất hợp pháp. Theo hồ sơ, McKinsey đã tư vấn cho các công ty bảo hiểm áp dụng chiến thuật "từ chối, trì hoãn và biện hộ". Tuy nhiên, vụ kiện cuối cùng đã bị bác bỏ theo hướng có lợi cho bị đơn. McKinsey từ chối bình luận về vụ việc.
Mới đây tại Michigan, một vụ kiện khác đã chứng minh sức nặng của cụm từ này. Trong một vụ án liên quan đến thương tích do tai nạn, các luật sư của một công ty vận tải đã quyết liệt phản đối việc sử dụng cụm từ ‘vô trách nhiệm’ này trên tại tòa.
Một cuộc biểu tình quy mô đã diễn ra vào tháng 4 và tháng 7 tại Minnetonka, bang Minnesota, nơi đặt trụ sở UnitedHealth Group. Khoảng 100 người tham gia, trong đó 11 người bị bắt vì chặn đường, thể hiện sự phẫn nộ trước các chính sách của công ty bảo hiểm.
John Crosson, một bác sĩ 89 tuổi từng bị bắt vì tham gia biểu tình, thẳng thắn chỉ trích: "Các công ty rõ ràng đang cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách từ chối dịch vụ chăm sóc thiết yếu cho bệnh nhân".
Chuyên gia an ninh Matthew Doherty, cựu đặc vụ Mỹ, nhận định các công ty bảo hiểm đang phải đối mặt các mối đe dọa an ninh ngày càng nhiều, là phản ứng của người tiêu dùng đối với việc từ chối quyền lợi khi cần thiết.
Tín hiệu báo động khiến một số công ty lớn như Centene đã phải thay đổi chiến lược, chuyển các sự kiện nhà đầu tư sang hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn.
Ken Goulet, cựu giám đốc điều hành bảo hiểm y tế, thừa nhận: "Sự tức giận luôn tồn tại, nhưng giờ đây nó đã vượt quá giới hạn". Không khí lo âu và tang tóc đang bao trùm các văn phòng bảo hiểm sau vụ ám sát giữa ban ngày gây rúng động nước Mỹ.
Theo WSJ
>> Hé lộ tình tiết thảm khốc trong vụ CEO bị bắn tử vong giữa ban ngày ở New York