Vụ cháy chung cư mini: Thước đo của chính sách
Pháp luật về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, nhà ở đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ. Thế nhưng, khi đi vào cuộc sống, các quy định, chính sách đã bị cố ý "bóp méo" để tạo ra "lỗ hổng" nhằm "lách luật", thậm chí buông lỏng quản lý...
Từ 8h sáng hôm nay (18/9), các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đồng loạt tổ chức mặc niệm nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân. Kể từ ngày 14/9 đến hết ngày 17/9, Hà Nội cũng đã tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí. Bàng hoàng, đau xót, tiếc thương… là những cảm xúc hiện diện khi chứng kiến những hình ảnh, video ám ảnh từ hiện trường vụ cháy "chung cư mini" ở Hà Nội mới đây.
Những hiểm họa mất an toàn ở chung cư mini đều đã được lường trước và cảnh báo nhưng với thực tế vừa xảy ra lại đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đó là hàng loạt những vấn đề về quản lý trật tự xây dựng, quy chuẩn cấp phép xây dựng hay việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các tòa chung cư mini…
Liên quan đến loại hình nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở thường gọi là chung cư mini, Bộ Xây dựng khẳng định, Luật Xây dựng 2014 đã quy định công trình xây dựng; trong đó có nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị phải được các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở trung ương, địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông qua hoạt động cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng tùy theo quy mô, cấp công trình. Để được cấp giấy phép xây dựng, các công trình này phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, tại nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng và thực tế có hàng loạt sai phạm. Điển hình là xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tự ý thiết kế nâng tầng bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng... Điều này dẫn đến nhiều hệ lụ như gây quá tải hạ tầng, xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và bán do không cấp được Giấy chứng nhận quyền sở hữu... và đặc biệt là vi phạm quy định về PCCC dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư mà điển hình là vụ cháy nghiêm trọng vừa qua.
Tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy thì nhà ở riêng lẻ không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Tuy nhiên, chủ hộ gia đình, người đứng đầu các cơ sở có trách nhiệm vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, Nghị định của Chính phủ về Luật Phòng cháy và chữa cháy và đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy cho công trình.
Như vậy, pháp luật về PCCC, xây dựng, nhà ở đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ. Thế nhưng, khi đi vào cuộc sống, các quy định, chính sách đã bị cố ý "bóp méo" để tạo ra "lỗ hổng" nhằm "lách luật"; thậm chí buông lỏng quản lý để khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra mới tìm cách "siết" hoặc đối phó.
Một chính sách thành công không chỉ ở những phép tính hoàn hảo trên bàn giấy mà trong phép tính ấy cần có yếu tố tham gia con người, cụ thể là việc giám sát, quản lý và phát hiện những sai phạm ngay từ ban đầu chứ không để ngọn lửa âm ỉ sẵn sàng bùng cháy gây nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Việc thành công của chính sách cũng không dừng lại ở chỗ làm ra được chính sách, mà còn ở cách đưa vào cuộc sống ra sao, đạt hiệu quả như thế nào để tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" rồi mới vội bổ sung. Nói cách khác, thành công của chính sách là đòi hỏi đáp ứng tính khả thi trong đời sống chứ không phải chỉ khả thi trên bàn giấy!
Trở lại câu chuyện những người ở chung cư mini là ai và liệu họ có biết rằng loại hình nhà ở này có nhiều rủi ro. Thực tế, những năm gần đây, loại hình nhà ở này nở rộ, thường được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 đến 10 tầng, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư. Và giá rẻ chính là yếu tố cơ bản để "chung cư mini" hút khách dù nhiều người cũng nhận thấy yếu tố an toàn phòng cháy bị xem nhẹ.
Trăn trở của một người dân đang sống trong "chung cư mini" với muôn vàn bất an bủa vây là nếu những căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội được phát triển nhanh và nhiều thì người thu nhập thấp như họ sẽ không phải tính đến chuyện mua căn hộ "chung cư mini" để ở như một giải pháp tạm thời. Dưới "trợ lực" chính sách đã đầy đủ, việc hoàn thành mục tiêu Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đang phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Một lần nữa, kỳ vọng và mong mỏi của người dân lại dồn cả vào thước đo của chính sách!