Vụ 'chuyến bay giải cứu' và chuyện nguyên cán bộ công an bao che tội phạm
Cựu cán bộ công an đã có hành vi hướng dẫn việc khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội, gây cản trở cho điều tra, xử lý vụ án của CQĐT.
Liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, riêng bị can Nguyễn Xuân Thông (SN 1975, nguyên cán bộ công an) bị đề nghị truy tố tội Che giấu tội phạm.
Theo kết luận điều tra, tháng 6/2021, ông Thông được ông Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa- giai đoạn 1 vụ án) trao đổi, bàn bạc về việc ông Tuấn đang tổ chức chuyến bay đưa người lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước để tránh dịch Covid-19.
Ông Tuấn cho biết, có mối quan hệ và nhờ được 4 Bộ trong Tổ công tác 5 Bộ giúp đỡ, còn Bộ Công an, ông Tuấn nhờ ông Thông kết nối, tác động đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) kiểm tra, sớm ban hành văn bản đồng ý cho Công ty Xây dựng và quản lý nguồn nhân lực Quang Trung được tổ chức, thực hiện chuyến bay.
Sau khi có văn bản đồng ý của Cục QLXNC (Bộ Công an), Công ty Xây dựng và nguồn nhân lực Quang Trung đã tổ chức đưa người lao động từ Đài Loan về tỉnh Hải Dương cách ly vào ngày 30/6/2021.
Ngoài ra, ông Tuấn còn đề nghị ông Thông can thiệp, tác động đến Cục QLXNC để giải quyết thủ tục xin cấp phép tổ chức chuyến bay cho Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện bầu trời Hà Nội (Công ty bầu trời Hà Nội), Công ty TNHH Du lịch Quốc tế (Công ty Du lịch Quốc tế). Khi đó, ông Thông đồng ý giúp và nhiều lần liên hệ với Cục QLXNC nhưng không giải quyết được.
Đến tháng 6/2022, khi bị điều tra do có liên quan đến việc đưa hối lộ cho các cá nhân để được thực hiện, tổ chức chuyến bay, ông Tuấn đã liên hệ, trao đổi với ông Thông để tìm sự giúp đỡ.
Theo CQĐT, khi ông Tuấn bị CQĐT triệu tập đến làm việc (vào ngày 20/7/2022) và biết rõ ông Tuấn đang bị điều tra về hành vi đưa hối lộ cho các cá nhân để được đồng ý thực hiện, tổ chức chuyến bay, nhưng ông Thông đã can thiệp, đề nghị điều tra viên cho ông Tuấn được lùi thời gian làm việc.
Đến ngày 28/7/2022, ông Thông và Tuấn cùng một số người khác gặp nhau tại một quán ăn gần trụ sở Bộ Công an để ông Thông tư vấn, hướng dẫn ông Tuấn và người khác khai báo với CQĐT về các nội dung liên quan đến vụ án theo hướng có lợi cho ông Tuấn.
Tại cuộc gặp đó, ông Tuấn cho biết đã nhận hơn 10 tỷ đồng của bà Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quốc tế- giai đoạn 1 vụ án) để đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền và chi phí trong việc xin thủ tục tổ chức chuyến bay cho một số doanh nghiệp của bà Hằng.
Ông Tuấn đề nghị ông Thông hướng dẫn nên khai với CQĐT như thế nào cho có lợi. Khi đó, ông Thông đã cùng với các cá nhân trao đổi, thảo luận và thống nhất hướng dẫn ông Tuấn và người khác không được khai với CQĐT về số tiền mà ông Tuấn đã nhận của bà Hằng để đi đưa hối lộ, mà cần phải khai (gian dối) rằng, số tiền này ông Tuấn đã trả lại hết cho bà Hằng... Những nội dung khác cứ khai không biết để về suy nghĩ, trả lời sau.
Sau đó, khi làm việc với CQĐT, ông Tuấn đã khai như được hướng dẫn. Và để trốn tránh việc bị điều tra, xử lý, từ ngày 26/10/2022, ông Tuấn bỏ trốn khỏi nơi cư trú, khiến CQĐT không thi hành được quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông này.
Chỉ đến khi, Cơ quan An ninh điều tra phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng khác của Bộ Công an mới phát hiện và bắt giữ được ông Tuấn vào ngày 25/11/2022, khi ông này đang trong quá trình lẩn trốn tại Thừa Thiên - Huế.
Quá trình bị tạm giam để điều tra, giám đốc Công ty Thái Hòa vẫn tiếp tục khai báo gian dối như đã được hướng dẫn để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra. Kết luận điều tra chỉ ra rằng, ông Nguyễn Xuân Thông biết ông Trần Minh Tuấn có hành vi đưa hối lộ mà vẫn hướng dẫn chủ doanh nghiệp này khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội, gây cản trở việc điều tra.
>> 'Công an Hà Nội không bao giờ chấp nhận cán bộ bảo kê, tiếp tay cho cát tặc'