Theo giới chuyên gia, vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley có thể được xem là hồi chuông cảnh báo cho châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế chưa tăng lãi suất mạnh.
Theo các nhà phân tích, vụ Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ ít có khả năng ảnh hưởng lan tỏa tới khu vực châu Á. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, đây có thể được xem là hồi chuông cảnh báo cho châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế chưa tăng lãi suất mạnh.
Theo đó, trong hơn một năm qua, Trung Quốc và Nhật Bản đi ngược xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì mức lãi suất âm 0,1%.
Phiên giao dịch ngày 13/3, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đều tăng điểm, còn chỉ số TOPIX của Nhật Bản sụt điểm trong đợt bán tháo vào phiên giao dịch buổi sáng. Điều này diễn ra sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ công bố biện pháp để ngăn chặn rủi ro hệ thống từ vụ sụp đổ của SVB.
Bà Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets chia sẻ với CNBC rằng: “Với Trung Quốc và Nhật Bản, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ (so với Mỹ) có thể không sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự nhưng đó là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách ở hai nền kinh tế có tầm ảnh hưởng này”.
Theo bà Tang, phản ứng của thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng có nhiều khách hàng là các quỹ đầu tư mạo hiểm - sẽ phụ thuộc chủ yếu vào “cách quản lý rủi ro liên quan tới lãi suất tại các quốc gia đối mặt với vấn đề tương tự”. “Rủi ro tín dụng có thể là vấn đề lớn mà các ngân hàng châu Á sẽ phải đối mặt trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm và nhu cầu của người tiêu dùng suy giảm”, bà Tang cho biết thêm.
Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nhận định, các ngân hàng châu Á có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ sụp đổ của SVB do tiền gửi của họ chủ yếu được dùng để cho vay thay vì đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
“Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của các nhà băng ở châu Á thường là khoảng 90%. Vì vậy, hầu hết các khoản tiền gửi được dùng để cho vay”, ông Eugene Tarzimanov, cán bộ tín dụng cấp cao tại Moody’s nói với CNBC. “Tất nhiên họ cũng đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong và ngoài nước, nhưng tỷ lệ này không đáng kể”.
Ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Goldman Sachs nhận định triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực châu Á sẽ không bị ảnh hưởng sâu rộng bởi vụ phá sản ngân hàng SVB.
Cụ thể, “vì vấn đề đang được các cơ quan quản lý giải quyết tương đối nhanh chóng và không lan sang các thực thể khác, ngoài những bên đã được xác định đến nay, chúng tôi dự báo triển vọng tăng trưởng của châu Á sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể”, ông này cho biết. “Chúng tôi tiếp tục giữ dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,5% trong năm nay, chủ yếu nhờ việc mở cửa trở lại và nước này cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi vụ việc này”.
Với giới startup và đầu tư mạo hiểm công nghệ châu Á, dù nhiều công ty cũng chịu rủi ro liên quan tới vụ sụp đổ của SVB, nhưng không nhiều doanh nghiệp công khai thừa nhận chịu thiệt hại lớn vì vụ việc này.
Cụ thể, cuối tuần qua, ngân hàng SPD Silicon Valley, liên doanh giữa Shanghai Pudong Bank và SVB đã trấn an các nhà đầu tư và khẳng định hoạt động của liên doanh “độc lập và ổn định”. Trong thông cáo trên trang web chính thức, SPD Silicon Valley Bank nhấn mạnh: “luôn hoạt động ổn định theo luật pháp Trung Quốc với với hệ thống quản trị tiêu chuẩn và bảng cân đối kế toán độc lập”.
VNDirect: Áp lực tỷ giá lên VND giảm nhờ chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc 
First Republic bên bờ vực phá sản, giới chức Mỹ đề nghị 2 “đại gia” JPMorgan, PNC mua lại