Vụ Vạn Thịnh Phát: 1.165 người được thuê đứng tên khoản vay, hồ sơ vay vốn...
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, những đối tượng đứng tên hộ bà Trương Mỹ Lan khai không biết gì về việc vay vốn tại ngân hàng.
Trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã công bố cáo trạng, trong đó nêu rõ từng tình tiết phạm tội của các bị can.
Kết quả ủy thác điều tra xác minh lời khai đối với 1.165 người đứng tên pháp nhân, cá nhân ký hồ sơ vay vốn đứng tên tài sản thế chấp, đứng tên ký rút tiền liên quan đến những khoản vay tại ngân hàng SCB sống tại 39 tỉnh thành trên cả nước.
Những đối tượng này đã khai nhận đều được nhờ đứng tên ký hồ sơ theo yêu cầu, không biết gì về việc vay vốn tại ngân hàng, phù hợp với lời khai của các bị can và người có liên quan trong vụ án.
Ảnh bà Trương Mỹ Lan |
Kết quả điều tra xác định trong giai đoạn từ 1/1/2012 đến 17/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức).
Tổng số tiền giải ngân hơn 1,06 triệu tỷ đồng, có dư nợ đến 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng (trong đó, dư nợ gốc 483.971 tỷ đồng và dư nợ lãi 193.315 tỷ đồng). Các khoản vay này đều thuộc nợ nhóm 5 - nhóm không có khả năng thu hồi. Dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại SCB.
Số khoản vay và tiền rút ra/dư nợ tại SCB |
Về dòng tiền giải ngân, SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền).
Dòng tiền của 1.284 khoản vay/483.917 tỷ đồng dư nợ gốc (khi giải ngân là 525.480 tỷ đồng) của Trương Mỹ Lan đã được chuyển:
+ Trả nợ vay cũ của bà Trương Mỹ Lan tại SCB: 57.029 tỷ đồng
+ Tổ chức/cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống: 381.303 tỷ đồng
+ Tổ chức/cá nhân chuyển khoản nội bộ trong hệ thống: 5.275 tỷ đồng
+ Tổ chức/cá nhân rút tiền mặt: 81.873 tỷ đồng.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, việc rút tiền được thực hiện giải ngân vào các công ty “ma” thụ hưởng theo phương án vay và thực hiện “giải quỹ” bằng hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, sử dụng nhiều cá nhân mở tài khoản tại SCB để chuyển tiền lòng vòng.
Đối với các khoản giải ngân vào tài khoản các cá nhân được thuê đứng tên hợp đồng vay hoặc đứng tên thụ hưởng vay thì các cá nhân này sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền.