Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Lộ diện người chuyển gần 1,88 tỷ USD ra nước ngoài
Người chuyển 1,88 tỷ USD ra nước ngoài trong vụ Vạn Thịnh Phát sinh năm 1990, cũng là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp khác, là chủ đầu tư dự án đình đám tại Sài Gòn.
Viện KSND tối cao đã công bố cáo trạng giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Giai đoạn này, các hành vi liên quan tội Rửa tiền, Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được điều tra làm rõ.
Lộ diện người chuyển gần 2 tỷ USD ra nước ngoài
Cơ quan điều tra xác định, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng, trong đó 415.666 tỷ đồng có được từ hành vi tham ô tài sản.
Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp cùng Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB, để hợp pháp hóa số tiền. Trong dòng tiền chuyển qua lại, lòng vòng giữa các tài khoản, nhóm Trương Mỹ Lan đã chuyển ra nước ngoài 32.164 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,36 tỷ USD.
Trong số các bị can bị khởi tố vụ án liên quan hành vi rửa tiền, Trịnh Quang Công là Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Accumen. Từ tháng 11/2019 đến tháng 7/2022, Trịnh Quang Công thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, sử dụng 5.159 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội để: Chi cho dự án (83 tỷ đồng); trả nợ ngân hàng khác (4.045 tỷ đồng); thanh toán lãi trái phiếu (1.030 tỷ đồng).
Ảnh: Trương Mỹ Lan, Trương Khánh Hoàng và Nguyễn Phương Hồng |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan dùng vào những đâu? 
Từ tháng 7/2020 đến tháng 10/2022, Trịnh Quang Công được Trương khánh Hoàng giao theo dõi, quản lý việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài đến 7 công ty gồm Golden Hill, VinaLand, Capitaland Tower, Trade Wind, Eland, Đông Sài Gòn, Thành Hiếu.
Khi chuyển tiền ra nước ngoài, Trịnh Quang Công liên hệ với Chiu Binh Keung Kenneth (luật sư của Trương Mỹ Lan), là người đại diện theo pháp luật của công ty VinaLand, tiếp nhận các hợp đồng mua cổ phần, hợp đồng vay mượn do Chiu gửi về.
Kết quả điều tra cho thấy, Trịnh Quang Công đã chuyển đi nước ngoài 1.877.688.615 USD, tương đương 44.083 tỷ đồng, trong đó có hơn 432,78 triệu USD có nguồn tiền từ tội Tham ô tài sản.
Hành vi của Trương Quang Công đã giúp Trương Mỹ Lan che giấu, hợp thức hóa để chiếm đoạt số tiền 15.694 tỷ đồng.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Lộ nguyên nhân Trương Mỹ Lan phải phát hành trái phiếu 
CTCP Tập đoàn Accumen được nhắc tới ở trên, thành lập tháng 8/2019 do ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh) làm Chủ tịch HĐQT; Trương Khánh Hoàng là Tổng Giám đốc. Ông Trịnh Quang Công, sinh năm 1990, tiếp nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 9/2019. Danh sách lãnh đạo Accumen còn có Trương Huệ Vân, Phạm Thị Lan Phương là thành viên HĐQT.
Tập đoàn Accumen có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong đó CTCP Amerald sở hữu 49%; phần còn lại do Nguyễn Vũ Anh Thi góp 10%, Trương Khánh Hoàng góp 10%; Truong Vincent Kinh góp 21% và bà Phạm Thị Lan Phương góp 10%.
Cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Accument |
Ngoài là người đại diện theo pháp luật của Accument, Trịnh Quang Công còn là người đại diện của loạt doanh nghiệp khác, trong đó có CTCP Quản lý và phát triển đô thị vệ tinh Le Jardn Nam Sài Gòn, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng và đô thị Vạn Phát, CTCP Đầu tư bất động sản Minh Điền, Công ty TNHH Saigon Glory.
Dấu ấn Bitexco liên quan Trịnh Quang Công
Cái tên Công ty TNHH Saigon Glory đã rất quen thuộc trong giới bất động sản khi gắn liền với dự án đình đám the Spirit of Saigon, dự án có vị trí đắc địa tại khu tứ giác Bến Thành. Dự án có diện tích đất 8.537m2, tổng diện tích sàn xây dựng 205.743m2. Dự án gồm 2 tòa tháp, tòa tháp A cao 55 tầng.
Sài Gòn Glory được biết là công ty con do Tập đoàn Bitexco sở hữu 100% vốn điều lệ. Hậu thuẫn bởi Bitexco nên Sài Gòn Glory có vốn điều lệ "khủng", lên đến 7.000 tỷ đồng. Công ty do ông Trịnh Quang Công làm Tổng Giám đốc, ông Vũ Quang Bảo là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Sinh năm 1990, ông Trịnh Quang Công cũng là người đứng tên ủy quyền cho 2.800 tỷ đồng vốn điều lệ tại Sài Gòn Glory. Hai cá nhân còn lại là đại diện ủy quyền phần vốn của Bitexco là ông Nguyễn Anh Đức và ông Vũ Quang Bảo.
Doanh nhân Vũ Quang Bảo cùng với anh trai Vũ Quang Hội là cái tên nổi tiếng trên thương trường, gắn liền với hệ sinh thái Bitexco, công ty mẹ của Sài Gòn Glory.
Saigon Glory đã quá quen thuộc với giới tài chính khi vấn đề trái phiếu đang nóng, doanh nghiệp liên tục bị "nhắc tên" do chậm trả gốc/lãi trái phiếu. Tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2020 Saigon Glory liên tục phát hành 10 lô trái phiếu, tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2023.
Báo cáo gần nhất công bố vào tháng 4/2024 cho thấy doanh nghiệp đã trả được tiền lãi trái phiếu, còn 10.000 tỷ đồng tiền gốc vẫn chưa chi trả. Tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu này là quyền lợi, quyền tài sản phát sinh từ dự án One Central (The Spirit of Saigon)
Dự án đình đám The Spirit of Saigon |
>> Saigon Glory đã nợ quá hạn cả gốc và lãi của 5.000 tỷ đồng trái phiếu 
Nói về Tập đoàn Bitexco, đơn vị này thành lập năm 1993, vốn điều lệ hiện tại 6.260 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Quang Bảo, Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 40% và ông Vũ Quang Hội nắm giữ 60% vốn. Ông Vũ Quang Bảo cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên tại Sài Gòn Glory.
Bitexco hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản, năng lượng, thương mại dịch vụ. Ở mảng năng lượng Bitexco đang đầu tư cả các dự án năng lượng mặt trời như dự án Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà.
Ở lĩnh vực dầu khí, Bitexco chiếm 15% cổ phần trong liên doanh khai thác giàn khoan CTC1 mỏ Cá Tầm, lô 09/3-12 cùng với Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Ở mảng bất động sản, những công trình Bitexco đã hoàn thành có thể kể đến như tòa nhà văn phòng Bitexco, khu đô thị The Manor hà Nội, khách sạn JW Mariott Hà Nội… Những dự án đang phát triển có khu đô thị The Manor Central Park, khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh, khu đô thị Đông Bắc Sapa, The Spirit of Saigon...
>> Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Lộ diện người ‘trực chứng từ’ để đảm bảo cân sổ quỹ 
Vụ Vạn Thịnh Phát: Trong hơn 4 năm, ông Chu Lập Cơ 'quẹt thẻ' hết 225,5 tỷ đồng 
Vụ Vạn Thịnh Phát: Chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan dùng vào những đâu?