Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Vì sao 46 nhân viên Ngân hàng SCB thoát lao lý?
Dù liên quan tới việc phát hành hoặc bán trái phiếu nhưng 46 cán bộ, nhân viên của Ngân hàng SCB thoát lao lý vì không biết chủ trương phát hành trái phiếu là trái luật của bà Trương Mỹ Lan.
TAND TPHCM đang xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Liên quan tới hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trái phiếu”, ngoài 29 bị cáo bị truy tố, đưa ra xét xử còn có 46 cá nhân là cán bộ, nhân viên của SCB cũng liên quan tới hành vi này nhưng không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Theo kết quả điều tra, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Trần Thị Minh Thảo (cựu Phó giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ - Ngân hàng SCB) phối hợp với Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu... để đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên sale thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc tư vấn bán sản phẩm trái phiếu.
Tuy nhiên, Thảo không biết chủ trương phát hành trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan trái quy định pháp luật; các tài liệu đào tạo nhân viên sale và tư vấn bán trái phiếu theo quy trình bán hàng như các sản phẩm khác tại Ngân hàng SCB, không có dấu hiệu đào tạo nhân viên sale lừa dối khách hàng mua trái phiếu. Bị cáo là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.
Với 45 cá nhân là nhân viên tại Ngân hàng SCB liên quan tới việc đi lệnh dòng tiền khống tại các chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành đều thành khẩn khai báo; họ thừa nhận việc thực hiện, ký khống các chứng từ là sai quy định pháp luật.
Kết quả điều tra xác định 45 người này không biết chủ trương phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật, là người làm công hưởng lương, thực hiện theo chỉ đạo và bị lệ thuộc, không được hưởng lợi nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, 15 cá nhân đứng tên đại diện pháp luật, kế toán trưởng của 4 công ty phát hành trái phiếu gồm An Đông, Sunny World, Quang Thuận, Setra, cơ quan điều tra xác định, họ đều là những cá nhân được các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê trả công.
115 cá nhân được thuê ký chứng từ nộp, rút tiền tạo lập dòng tiền khống cho 4 công ty trên phát hành trái phiếu đều là người được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê, cơ quan điều tra xác định họ được trả tiền để đứng tên ký chứng từ.
Xét thấy, các cá nhân này không biết về chủ trương phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật, là người làm công hưởng lương, nhiều người không có việc làm ổn định. Quá trình điều tra thành khẩn khai báo, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra nên không xem xét trách nhiệm hình sự là phù hợp.
Lịch chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH dịp Tết tại TP HCM 
TP. HCM: Lượng tồn kho nhà ở dồi dào bị 'mắc kẹt' bất chấp nguồn cung đang khan hiếm