Vụ Vạn Thịnh Phát: Luật sư nêu các lợi ích khi không tử hình Trương Mỹ Lan
Theo luật sư, nếu bị cáo Lan không bị tuyên tử hình, hàng loạt dự án hiện đang đình trệ sẽ được khôi phục, góp phần thay đổi diện mạo TP. HCM.
Ngày 15/11, phiên phúc thẩm giai đoạn 1 xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan  cùng 47 bị cáo khác tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.
Bà Lan bị cáo buộc là người chủ mưu, cầm đầu trong ba tội danh: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, và Đưa hối lộ. Hành vi của bà Lan đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận và làm mất niềm tin của nhân dân. Do đó, mức án tử hình do tòa sơ thẩm tuyên đối với bà Lan được đánh giá là "đúng người, đúng pháp luật, không oan sai".
Luật sư (LS) Phan Trung Hoài, người bào chữa cho bị cáo Lan, cho biết thân chủ của ông đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và không còn kêu oan. Bị cáo Lan cũng đưa ra nhiều phương án xử lý tài chính cụ thể để khắc phục hậu quả vụ án, đồng thời kiến nghị về cơ chế nhằm hồi sinh và phát triển các dự án nhằm có nguồn tiền khắc phục.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Đáng chú ý, LS Giang Hồng Thanh nêu các lợi ích nếu không tuyên án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. Theo LS Thanh, việc không tuyên án tử hình sẽ giúp bị cáo nhận thức rõ lỗi lầm, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, và tạo điều kiện để bị cáo khắc phục hậu quả. Ông Thanh cũng lập luận rằng, nếu bị cáo Lan không bị tuyên tử hình, hàng loạt dự án hiện đang đình trệ sẽ được khôi phục, góp phần thay đổi diện mạo TP. HCM, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáp lại quan điểm của VKS cho rằng bị cáo Lan khắc phục hậu quả nhưng chưa đủ để xem xét giảm nhẹ hình phạt, LS Thanh khẳng định thân chủ của ông có đủ tài sản để khắc phục hoàn toàn thiệt hại. LS Thanh đưa ra danh sách tài sản bao gồm hơn 21.000 tỷ đồng của cá nhân và tổ chức hoàn trả cho bị cáo Lan, hơn 500 tỷ đồng do gia đình bị cáo nộp trong giai đoạn phúc thẩm, và nhiều tài sản khác chưa được định giá.
Ngoài ra, các luật sư bào chữa cũng nêu thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lan, như những đóng góp cho xã hội, tinh thần khắc phục hậu quả, cùng hơn 1.600 đơn xin giảm nhẹ từ các cá nhân và tổ chức.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng tự bào chữa tại tòa, cho biết bản thân gần 70 tuổi và đã có nhiều chuyển biến trong tư tưởng suốt 2 năm qua. Từ khi bắt đầu phiên phúc thẩm, bị cáo đặt niềm tin vào sự công bằng của pháp luật và đã nỗ lực khắc phục hậu quả để mong nhận được sự khoan hồng từ tòa án.