Theo các chuyên gia, OPEC+ có nguy cơ tan rã do Nga mất dần ảnh hưởng ở khối liên minh dầu mỏ này.
OPEC+ có nguy cơ tan rã
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và nhu cầu năng lượng lao dốc nghiêm trọng, OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) đã quyết định rút gần 10 triệu thùng dầu thô ra khỏi thị trường.
Cuối tuần này, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine làm gián đoạn thị trường thế giới, liên minh dầu mỏ đã nhất trí nâng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8, cao hơn đáng kể so với mức dự kiến ban đầu là 432.000 thùng/ngày.
Giá dầu thô giao sau đều tăng sau thông tin trên. Kết phiên giao dịch ngày 3/6, giá dầu Brent đang ở mức 119,7 USD/thùng, tăng 1,79%; trong khi giá dầu WTI dao động quanh mức 118,9 USD/thùng, nhích 1,71%.
Chia sẻ với CNBC, ông Paul Sankey - chuyên gia phân tích của hãng tư vấn năng lượng Sankey Research, cho biết vấn đề ở đây là các nước OPEC+ không thể hoàn thành mục tiêu sản lượng của họ.
“Toàn bộ hệ thống của OPEC đang có nguy cơ tan rã”, vị chuyên gia nhấn mạnh. OPEC thường tác động đến giá dầu bằng cách kiểm soát sản lượng, nhưng ông Sankey nói thị trường vẫn thấy các vấn đề về nguồn cung bất chấp thông báo mới của OPEC+.
Theo ông Sankey, chỉ có hai hoặc ba nước thành viên của OPEC có công suất dự phòng. Arab Saudi - thủ lĩnh thực tế của OPEC, đồng thời là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, có công suất dự phòng khoảng 1 triệu thùng/ngày nhưng lại không muốn sử dụng.
Nga mất dần ảnh hưởng ở OPEC+
Kế hoạch sản xuất mới nhất của OPEC+ vẫn bao gồm Nga, nhưng sản lượng của xứ sở Bạch Dương đã bị kiềm chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà phân tích của Sankey Research lưu ý.
Ông Dan Pickering, Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, cho biết sản lượng của Nga sẽ “mặc định” giảm từ từ. Trao đổi với CNBC, ông nói: “Nga sẽ mất dần sự hiện diện trong OPEC+ khi châu Âu và phần còn lại bắt đầu trừng phạt”.
Tương tự ông Sankey, Giám đốc Pickering cho biết OPEC không có nhiều công suất dự phòng ngoài các nước như Arab Saudi và UAE.
Mặt khác, bà Rachel Ziemba - nhà sáng lập của hãng tư vấn Ziemba Insights, nói Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy mạnh mua dầu mỏ của Nga, nhưng điều đó là không đủ. “Tôi tin dòng chảy năng lượng toàn cầu cuối cùng sẽ được định hình hình lại”, bà lưu ý.
Mỹ cần bao nhiêu dầu để thống trị toàn cầu, hiện thực hóa giấc mơ năng lượng của ông Trump? 
Giá dầu tăng nhờ cam kết của Kazakhstan và tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh