Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ trở thành 'thủ phủ' khu công nghiệp xanh của Việt Nam
Đây là trọng tâm của Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, khu vực đặt mục tiêu phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp  theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Chương trình này tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả qua việc đổi mới công nghệ và bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường.
Một trọng tâm quan trọng là phát triển các khu kinh tế ven biển để chúng trở thành các trung tâm nòng cốt và chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các ngành kinh tế biển như du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, và năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên. Bảo vệ môi trường cũng là một phần không thể thiếu trong chiến lược này.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có, tập trung vào những khu kinh tế có vai trò động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
>> Dự án cao tốc 25.000 tỷ do Vingroup và Techcombank đề xuất sẽ thực hiện trong năm 2024 
Đồng thời, các khu kinh tế ven biển mới sẽ được phát triển tại các khu vực tiềm năng như Ninh Thuận và Bình Thuận, với ưu tiên cho các dự án lớn liên quan đến cảng biển, dịch vụ cảng biển, năng lượng, năng lượng tái tạo, và công nghiệp chế biến, chế tạo. Việc kết hợp phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, và dịch vụ hiện đại cũng sẽ được chú trọng.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được mở rộng để trở thành trung tâm dẫn dắt phát triển khoa học - công nghệ, đóng vai trò động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Khu công nghệ cao này sẽ góp phần xây dựng TP. Đà Nẵng thành đô thị khoa học - công nghệ - sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, các khu công nghệ cao sẽ được nghiên cứu và hình thành tại các tỉnh như Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Bình Thuận khi các điều kiện theo quy định được đáp ứng.
Cũng theo quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, Đà Nẵng sẽ đưa các khu chức năng của Khu công nghệ cao vào hoạt động trước năm 2025. Đồng thời, các khu công nghệ cao sẽ được kết nối với các khu và cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh. Khu công nghiệp Hòa Khánh sẽ được chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái để đáp ứng các tiêu chí của mô hình này
Còn đối với tỉnh Nghệ An, địa phương sẽ bảo đảm quỹ đất, mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp để đón nhận làn sóng đầu tư đến năm 2025.
Đối với tỉnh Bình Định, địa phương tập trung thu hút các dự án công nghệ xanh và quy mô lớn vào khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, đặc biệt từ các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Hà Lan và Nhật Bản.
Theo ông Đặng Vĩnh Sơn - Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, cho biết rằng nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam và cơ chế hỗ trợ ổn định từ tỉnh. Bình Định cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm phát triển dự án.
>> Khu kinh tế quy mô bậc nhất Việt Nam ‘mở cửa’ đón đô thị 6.000 tỷ đồng