Tọa lạc tại nơi có vị trí giao thông thuận lợi, khí hậu ôn hòa, xung quanh có nhiều đảo nhỏ, hồ nước này là địa điểm du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng.
Từ trung tâm TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) theo tỉnh lộ Đán - Tân Cương - Núi Cốc, trên con đường khoảng 15km trải nhựa phẳng lì, quanh co uốn lượn ôm lấy những quả đồi xanh ngút ngàn, màu xanh của cây rừng và những dải đồi chè Tân Cương, du khách không khỏi sững sờ trước một hồ trên núi với những hòn đảo lớn nhỏ đan xen nổi bật giữa sóng hồ - hồ Núi Cốc…
Nhắc đến hồ Núi Cốc thì không thể không nhắc đến cuộc tình giữa nàng Công và chàng Cốc, câu chuyện còn vang vọng đến ngày nay. Ngọn núi Cốc bây giờ như hiện thân của chàng trai năm xưa, còn người yêu chàng đã hóa thân thành dòng sông Công êm dịu, quấn quýt dưới chân núi.
Thực tế, hồ Núi Cốc là một hồ nhân tạo  có diện tích 2.500ha do những chàng trai, cô gái từ nhiều tỉnh thành đổ mồ hôi mấy mùa đắp đập ngăn dòng sông Công, tạo nên hồ từ những năm 1973-1982. Nhận thấy vẻ đẹp của hồ, những năm đầu của thập kỷ 1990, tỉnh Thái Nguyên đã đưa hồ trở thành một điểm du lịch.
Hồ có 89 hòn đảo lớn nhỏ và được ví như "vịnh Hạ Long  trên cạn". Xa hơn một chút là cung Tam Đảo  kéo dài trên 20km từ tỉnh bạn Tuyên Quang đến đất Vĩnh Phúc đã tạo cho hồ Núi Cốc nguồn sinh thủy trong sạch và khí hậu mát mẻ hiếm có. Do đó, hồ Núi Cốc đã được Chính phủ xác định là 1 trong 48 khu vực có tiềm năng phát triển du lịch bậc nhất quốc gia.
Là thắng cảnh đẹp, khu du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên, hồ Núi Cốc đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Nhạc sĩ Phó Đức Phương có bài hát nổi tiếng "Huyền thoại hồ Núi Cốc" với những câu ca:
"Bồng bềnh (ơ) bồng bềnh, chòng chành (ơ) chòng chành.
Một vùng núi cao nước sâu thuyền trôi, thuyền trôi
Mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Đảo..."
Mỗi hòn đảo trên mặt hồ Núi Cốc đều có một cảnh sắc riêng và nhưng đều rất đẹp, thích hợp xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái.
Trong một lần khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tại vùng du lịch trọng điểm quốc gia hồ Núi Cốc do một nhà đầu tư mời, ông Young Il Lee, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đông Nam Á nhận định đây là hồ nước nhân tạo đẹp bậc nhất khu vực. Vẫn theo chuyên gia này, vùng thượng nguồn hồ Núi Cốc có cung Tam Đảo che chắn, bao quanh hồ dân cư còn thưa nên cảnh quan, môi trường rất tốt.
Còn kiến trúc sư Noirihiko Dan của Nhật Bản cho rằng: Vùng du lịch trọng điểm quốc gia hồ Núi Cốc được Chính phủ Việt Nam quy hoạch rất chính xác về vị trí địa lý và tiềm năng vì gần thủ đô Hà Nội, không xa sân bay quốc tế Nội Bài, đường bộ thuận lợi và nằm ở trung tâm giữa vùng kinh tế Tây Bắc, Đông Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng nên khi đầu tư xứng tầm sẽ thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế...
Không chỉ sở hữu sẵn cảnh vật đẹp như tranh vẽ, hồ Núi Cốc còn sở hữu một khu du lịch với nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Khu du lịch hồ Núi Cốc nằm ở huyện Đại Từ sở hữu một hệ thống hang động nhân tạo cực kỳ quy mô. Mỗi hang động đều có vẻ đẹp riêng với khí hậu mát mẻ trong lành, hệ thống ánh sáng âm thanh vô cùng thu hút.
Để tham quan các hang động tại Núi Cốc, du khách phải di chuyển bằng thuyền. Tại đây có nhiều hệ thống hang tuyệt đẹp như Thuỷ Cung, động Ba Cây Thông, Âm Phủ, Huyền Thoại cung... Các hang động đều sở hữu vẻ đẹp tuyệt vời và gắn liền với nhiều câu chuyện huyền thoại rất thú vị.
Quần thể “Thuyết nhân quả” - chùa Thiêng Thác Vàng là một công trình văn hoá nghệ thuật được đầu tư đến 30 tỷ đồng. Quần thể có một bức Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có độ cao lên đến 45m, toạ trên diện tích 5.000m2. Các phần kiến trúc bên trong chùa mang đậm bản sắc dân tộc, cảnh quan vô cùng uy nghiêm cho du khách chiêm ngưỡng. Đây cũng là ngôi chùa nằm trong lòng Phật lớn nhất miền Bắc được ghi nhận kỷ lục Guinness  năm 2012.
Hồ nước ngọt sạch nhất thế giới, trong veo đến mức có thể nhìn xuống 80m dưới lòng hồ 
Dự án hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Ninh Bình có thể bị chấm dứt sau 11 năm ‘đắp chiếu’