Tài chính Ngân hàng

Xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng

Chi Hạ 28/06/2024 - 15:47

Theo NHNN, mục đích của việc ban hành Quyết định 2345 là bảo đảm người giao dịch trực tuyến là chính chủ, nhằm giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đăng tải thêm nhiều thông tin liên quan đến Quyết định số 2345 của NHNN về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024).

Cụ thể, từ ngày 1/7, các giao dịch trực tuyến của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học. Dấu hiệu sinh trắc học của người thực hiện giao dịch phải trùng khớp với chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong CCCD gắn chip do Bộ Công an cấp.

Ngoài ra, khách hàng cũng bắt buộc phải xác thực lại nhận dạng sinh trắc học trong trường hợp trước khi thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất.

Theo thống kê của NHNN, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%.

“Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng”, NHNN khẳng định.

>> Chưa kịp cài sinh trắc học, người dùng có thể chuyển tiền từ 1/7 được không?

Xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng
Khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". NHNN cho biết, đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành Ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.

Do đó, Quyết định 2345 được ban hành với mục đích bảo đảm người giao dịch trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Về bản chất, các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Biện pháp này sẽ loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp.

Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.

>> Làm sao để xác thực sinh trắc học nếu không có CCCD gắn chip hoặc điện thoại không hỗ trợ NFC?

Chưa kịp cài sinh trắc học, người dùng có thể chuyển tiền từ 1/7 được không?

Các ngân hàng phải bảo đảm giao dịch được thuận lợi khi thực hiện sinh trắc học

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xac-thuc-sinh-trac-hoc-khong-anh-huong-qua-lon-den-cac-giao-dich-thanh-toan-cua-nguoi-dung-240341.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng
    POWERED BY ONECMS & INTECH