Xây ‘cầu trên mây’ ở độ cao gần 500m, dùng tên lửa chuyển vật liệu trên vách núi, Trung Quốc chinh phục kỷ lục thế giới, thành biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc của ngành xây dựng
Cầu từng giữ danh hiệu cao nhất thế giới từ năm 2009 đến năm 2016.
Nổi tiếng với những công trình hiện đại bậc nhất thế giới, Trung Quốc không chỉ khiến du khách choáng ngợp bởi các tòa nhà chọc trời, mà còn bởi hệ thống giao thông vô cùng ấn tượng. Trong đó, nhắc đến những cây cầu  cao nhất thế giới, không thể không kể đến "kỳ quan kỹ thuật" Siduhe - cây cầu từng giữ danh hiệu cao nhất thế giới từ năm 2009 đến năm 2016.
Cách 80km về phía Nam của vùng Tam Hiệp nổi tiếng, gần sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cầu treo  Siduhe là công trình kiến trúc độc đáo của đoạn đường dài 483km trên tổng 2.175km của tuyến đường cao tốc G50 Thượng Hải-Trùng Khánh, kết nối Thượng Hải trên bờ biển Thái Bình Dương với các thành phố Trùng Khánh và Thành Đô ở phía Tây.
Cầu treo Siduhe sừng sững như một "người khổng lồ" bắc ngang qua thung lũng  sâu, cầu sở hữu độ cao 496m, tương đương tòa nhà 200 tầng. Chiều cao ngoạn mục này đã giúp Siduhe chinh phục kỷ lục thế giới, trở thành biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc của ngành xây dựng Trung Quốc.
Cầu Siduhe cao đến mức vượt trội so với đối thủ gần nhất ở Mexico lên đến 100m. Nó cũng cao hơn cầu Royal Gorge ở Colorado (Mỹ) đến 205m. Đây cũng là cây cầu duy nhất trên thế giới nơi vật có kích cỡ và trọng lượng bằng một người rơi xuống có thể đạt vận tốc cuối - vận tốc vật thể rơi không còn có gia tốc được nữa.
Siduhe không chỉ gây ấn tượng bởi độ cao ngút trời mà còn bởi chiều dài 1.222m và kết cấu độc đáo. Thiết kế của cây cầu tương tự như hệ thống cầu treo thông thường với các tháp cầu hình chữ H kiên cố được làm từ bê tông cốt thép, neo giữ bởi hệ thống cáp trụ và dây treo chắc chắn.
Điểm đặc biệt khiến Siduhe trở nên nổi tiếng toàn cầu chính là phương pháp thi công vô cùng táo bạo: sử dụng tên lửa để đưa dây cáp thí điểm từ sườn núi này sang sườn núi kia, thay vì sử dụng khinh khí cầu hoặc máy bay trực thăng như các phương pháp truyền thống.
Ý tưởng táo bạo này đã giúp tiết kiệm chi phí và thời gian thi công đáng kể, đồng thời đảm bảo an toàn cho công nhân trong điều kiện địa hình hiểm trở. Việc sử dụng tên lửa cũng khẳng định trình độ kỹ thuật cao và sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư Trung Quốc.
Với tổng chi phí xây dựng lên tới 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng tại thời điểm đó), Siduhe không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển mà còn trở thành biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc của nền khoa học kỹ thuật Trung Quốc.
>> ‘Siêu cầu treo’ dài 4,6km kết nối lục địa Á – Âu, đi xuyên hai bờ châu lục chỉ trong 6 phút