Xét nghiệm cần làm mỗi năm nếu bạn muốn sống thọ 100 tuổi
Mọi người cần thực hiện xét nghiệm máu hằng năm để phát hiện sớm các căn bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng, kịp thời chữa trị, giúp sống thọ hơn.
Khi nói đến những thói quen kéo dài tuổi thọ , có lẽ bạn đã biết những điều cơ bản như áp dụng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng , vận động thường xuyên, giảm hút thuốc, bớt uống rượu.
Ngoài ra, có một thói quen giúp bạn sống thọ  hay bị bỏ qua là gặp bác sĩ thường xuyên. Nhiều người chỉ đi khám khi bị ốm. Nhưng nếu bạn muốn sống lâu và khỏe mạnh, việc kiểm tra sức khỏe  thường xuyên rất quan trọng. Trong đó, có một bài kiểm tra đặc biệt quan trọng bạn cần thực hiện.
Tiến sĩ Robert J. Pearlstein, chuyên gia lão khoa người Mỹ, gặp bệnh nhân ba tháng một lần, ngay cả những người có sức khỏe hoàn hảo. Ông khuyến nghị những người từ 80 tuổi trở lên nên đi khám bác sĩ thường xuyên, đặc biệt với trường hợp có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Đối với nhóm từ 65 đến 80 tuổi và có sức khỏe tốt, chỉ cần gặp bác sĩ mỗi năm một lần là đủ.
Theo Parade, đi khám bác sĩ thường xuyên sẽ giúp phát hiện các căn bệnh có khả năng đe dọa tính mạng ở giai đoạn sớm nhất. Tiến sĩ Pearlstein giải thích: “Ví dụ, ung thư vú và ung thư ruột kết có thể chữa được ở giai đoạn đầu nhưng không thể chữa được ở giai đoạn cuối”. Chia sẻ với bác sĩ về các bất ổn sức khỏe (thay đổi cân nặng, nhu động ruột, giấc ngủ) sẽ đưa ra những manh mối quan trọng để đánh giá sức khỏe tổng thể của bạn. Bạn cũng cần kiểm tra huyết áp và mức cholesterol trong khám sức khỏe định kỳ.
Tiến sĩ Pearlstein khuyên, có một loại xét nghiệm bạn nên thực hiện hằng năm. “Khi hơn 40 tuổi, bạn phải thực hiện xét nghiệm máu hằng năm để kiểm tra mức vitamin, chức năng thận, gan và nồng độ PSA (với nam giới, để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt)”, Tiến sĩ Pearlstein nói.
Ngoài việc hỏi về các thay đổi thể chất và xét nghiệm máu, Tiến sĩ Pearlstein cũng thường hỏi mọi người về sức khỏe tâm thần. Ông nói: “Những người hạnh phúc sống lâu hơn ai hay chán nản”.
Tiến sĩ Pearlstein giải thích người lớn tuổi rất dễ bị cô lập vì khi đó họ đã nghỉ việc, không sống gần con cái. Sự cô đơn liên quan đến tăng nguy cơ trầm cảm nên ông luôn hỏi bệnh nhân về các mối quan hệ của họ: Trong nhà có người chuẩn bị các bữa ăn không? Họ có thường xuyên gặp gỡ những người mang lại cho họ niềm vui và khiến cuộc sống của họ có mục đích không?
Tất nhiên, chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt cũng rất quan trọng khi nói đến tuổi thọ. Dùng thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và vận động cơ thể thường xuyên đều rất tốt cho sức khỏe. Nghiên cứu khoa học cho thấy chỉ cần 15 phút tập thể dục nhẹ hoặc vừa phải mỗi ngày cũng có thể kéo dài thời gian sống.