Xu hướng tiêu dùng thay đổi, các thương hiệu khó thu hút và giữ chân khách hàng
Chuyên gia cho rằng, những thay đổi đáng kể trong xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay buộc các doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận một cách hiệu quả, tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Khó thu hút và giữ chân người tiêu dùng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa  và doanh thu dịch vụ tiêu dùng  theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng |
Dù vậy, theo nhận định TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 đã giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ du khách nước ngoài tăng đến hơn 34% so với cùng kỳ.
Ông Thành cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng, hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây.
Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức và biến động, buộc doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn, mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm từ đó cũng cao hơn. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên khó khăn hơn. Đây là khó khăn chung của tất cả các nhãn hiệu từ nhỏ đến lớn, từ nội địa đến nước ngoài.
Bà Nga lý giải, xuất phát từ việc giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát buộc người tiêu dùng phải giảm số lần mua sắm. Từ 1-2 ngày mua 1 lần, sau đó là 4-5 ngày mua 1 lần, dần dần việc giảm tần suất mua sắm trở thành một thói quen mới của người tiêu dùng khi trở lại giai đoạn bình thường mới sau đại dịch, khiến các thương hiệu khó gặp nhiều tiêu dùng hơn. Gặp đã khó, việc giữ chân khách hàng lại càng khó hơn nhiều lần.
Ngoài ra, bà Nga cũng chỉ ra rằng, trung bình thị phần của top 5 nhãn hiệu lớn nhất trong mỗi ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tính từ năm 2019 đến tháng 5/2024 đều giảm, cho thấy các nhãn hiệu lớn cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng. Bù lại các nhãn hiệu nhỏ lên ngôi, cơ hội sẽ dành cho nhiều nhãn hiệu hơn, người mua có nhiều sự lựa chọn hơn.
>>Sàn Thương mại điện tử nội lo ngại quy định mới làm mất lợi thế cạnh tranh 
Mua sắm trực tuyến - đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng
Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa. Do đó theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần quan tâm và khai thác hiệu quả các kênh mua sắm trực tuyến, đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Phương Nga, kênh online hiện đang đóng góp 8% vào tổng giá trị thị trường FMCG và dự kiến sẽ tăng thêm 2 điểm thị phần trong 2 năm tới, mở ra cơ hội cho các thương hiệu nhất là các thương hiệu nhỏ, tiếp cận nhiều người mua sắm một cách nhanh chóng hơn.
Mua sắm trực tuyến - đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng. |
Bên cạnh đó, nhóm người tiêu dùng nông thôn đang tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Theo thống kê, tại khu vực nông thôn, hầu hết các hộ gia đình đều sở hữu thiết bị di động, trong số đó, có 97% người tiêu dùng sử dụng Facebook, 99% người tiêu dùng xem nội dung trên Youtube cùng nhiều nền tảng mạng xã hội khác.
Như vậy, đây là cơ hội mà các nhà sản xuất có thể tận dụng để tiếp cận, xuất hiện trong nhận thức và thuyết phục nhóm khách hàng này mua sản phẩm.
Ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, sự thay đổi trong thị phần của các kênh mua sắm từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức buộc doanh nghiệp phải thích nghi.
Để thích nghi và phát triển, ông Cường đề nghị doanh nghiệp cần quan tâm nắm bắt các quy định, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế về tiêu dùng; xác định xu hướng, hành vi tiêu dùng theo từng ngành hàng, từ đó có thiết kế, phát triển sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
>>Thu 180 nghìn tỷ đồng thuế từ hoạt động thương mại điện tử 
Đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%: Người tiêu dùng hưởng lợi, nhà sản xuất gặp khó? 
5 tháng 2024, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội tăng 5,31%