Xử lý 'qua loa, chiếu lệ' là dung dưỡng cho sai phạm
Từ hàng loạt vụ việc khi xảy ra sự cố mới hé lộ sai phạm cho thấy việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ".
Loạt bài từ sự cố tai nạn xe khách Thành Bưởi, sạt lở ở Đà Lạt, cháy chung cư mini ở Hà Nội, lộ ra nhiều “góc khuất” sai phạm, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc chỉ rõ nguyên nhân và gợi mở biện pháp "bịt lỗ hổng".
Bạn đọc Nguyễn Văn Minh cho rằng, cán bộ quản lý trực tiếp lĩnh vực xây dựng, giao thông, ai cũng biết phía sau tồn tại sai phạm là gì, ở đó có ‘nhóm lợi ích’, nên rất khó xử lý.
Theo bạn đọc Thế Công, để không xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như thời gian vừa qua, cách tốt nhất là cơ quan quản lý Nhà nước phải có biện pháp ‘phòng bệnh’ từ sớm, từ xa và phải thực hiện nghiêm.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chứ cứ để xảy ra sai phạm rồi mới tìm nguyên nhân và cách khắc phục thì đã quá muộn, hậu quả khôn lường. Cách tốt nhất là chúng ta phải xử lý nghiêm ngay từ mầm mống sai phạm”, bạn đọc Thế Công chia sẻ.
Bạn đọc Nguyễn Trường cho rằng, ngoài việc xử lý người trực tiếp để xảy ra sai phạm, cơ quan chức năng cũng phải xử lý thật nghiêm cán bộ gián tiếp để xảy ra sai phạm dẫn đến các vụ việc như thời gian vừa qua.
Cùng mối quan tâm, theo bạn đọc Nguyễn Khải, việc quản lý chưa nghiêm, thực thi pháp luật chưa chặt chẽ, vô tình tạo kẽ hở cho những người thiếu trách nhiệm, hám lợi cố tình sai phạm.
Còn bạn đọc Nguyễn Hùng nhận định, việc bị can Nghiêm Quang Minh xây chung cư vượt tầng, sạt lở ở Đà Lạt… cần làm rõ yếu tố ‘chống lưng’, ‘hậu thuẫn’ phía sau.
“Những sai phạm như vậy ai cũng nhìn thấy. Vậy tại sao cán bộ phường, quận không xử lý triệt để ngay từ đầu. Đó là nguyên nhân gián tiếp gây ra những vụ tai nạn như vừa qua”, bạn đọc Nguyễn Hùng cho hay.
Chia sẻ với VietNamNet, bạn đọc Hải Vân cho rằng, người dân đổ một xẻng cát, đặt một cục gạch ở đâu trong phố, bà bán trà đá cũng biết, chẳng lẽ cả tòa chung cư xây cao vượt 3 tầng mà cán bộ quản lý trật tự xây dựng, lãnh đạo phường, quận Thanh Xuân (Hà Nội) lại không biết.
“Cán bộ nắm địa bàn, phụ trách lĩnh vực đều biết cả, nhưng có lẽ họ đã làm ngơ nên chung cư vượt tầng mới tồn tại như vậy. Sau vụ cháy gây hậu quả lớn đến vậy, theo tôi TP Hà Nội phải xử lý nghiêm những cán bộ này”, bạn đọc Hải Vân nêu ý kiến.
Theo bạn đọc Nguyễn Đức Vinh, pháp luật cho dù có nghiêm minh đến đâu thì vẫn phụ thuộc con người cụ thể vận hành. Do vậy, trước khi nói đến chuyện xử lý thật nghiêm thì phải xem lại chất lượng của những người được giao nhiệm vụ.
Bạn đọc Phạm Tuấn ủng hộ quan điểm cùng với việc xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho sai phạm, TP Hà Nội phải cưỡng chế, tháo dỡ theo đúng nguyên tắc ‘không có vùng cấm’ với công trình vượt tầng. “Có như vậy cán bộ mới không dám chống lưng cho sai phạm, chủ đầu tư cũng không dám làm sai”, bạn đọc Phạm Tuấn chia sẻ.
Một bạn đọc nêu, trong chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngay sau vụ cháy chung cư mini đã chỉ rõ rất nhiều vấn đề. Cụ thể, chỉ thị chỉ rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; việc thực hiện còn nhiều yếu kém, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…
Bạn đọc này cũng nhìn nhận, việc đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ", là rất đúng thực tế.
Vì vậy, ủng hộ tinh thần chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Đồng thời, nơi nào để xảy ra vi phạm, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, từ đây đòi hỏi vấn đề nêu gương của người đứng đầu phải luôn được đề cao.
Vụ cháy chung cư mini Khương Hạ: Bị can Nghiêm Quang Minh khai "không hề đưa hối lộ" 
Công trình vượt tầng ở Hà Nội, không vùng cấm phải sai đâu 'cắt ngọn' đó