Điều kiện áp dụng cho gói tiết kiệm này là số tiền gửi không quá 100 triệu đồng/tháng.
Bước sang tháng 5, đã có tổng cộng 13 ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm theo chiều hướng tăng là ACB, Sacombank, Techcombank, VIB, Bac A Bank, GPBank, NCB, BVBank, CBBank, TPBank, PGBank, SeABank và mới nhất là VietABank.
Sau điều chỉnh, mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm đã quay trở lại tại một số nhà băng có kỳ hạn dưới 24 tháng. Trong đó, có những nhà băng niêm yết lãi suất tiết kiệm lên tới 7,5%/năm.
Theo đó, hiện ngân hàng Wooribank đang niêm yết gói tiết kiệm tích luỹ với mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 3 năm. Tại kỳ hạn 24 tháng đến dưới 36 tháng, Wooribank đang niêm yết mức lãi suất là 7%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng - dưới 24 tháng là 6,5%/năm. Điều kiện áp dụng cho gói tiết kiệm này là số tiền gửi không quá 100 triệu đồng/tháng.
Ngoài Wooribank, nhiều ngân hàng tư nhân trong nước vẫn giữ lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm nhưng với điều kiện số tiền gửi tiết kiệm lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, hiện MSB  đang áp dụng mức lãi suất 7%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng, áp dụng đối với sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng.
Ngân hàng Dong A Bank hiện niêm yết mức lãi suất tiết kiệm 7,5%/năm áp dụng cho lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng trở lên.
Đáng chú ý, PVcomBank là ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Mới đây, ngân hàng này còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá chỉ từ 10 triệu đồng dành cho khách hàng cá nhân. Mức lãi suất cố định là 8%/năm và kỳ hạn lên tới 85 tháng. Thời gian phát hành từ ngày 02/05/2024 đến hết ngày 31/12/2024.