Xuất khẩu giảm, ngành điều "gánh" nhiều khó khăn

27-06-2022 09:38|Uyển Nhi

Theo các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu điều năm nay dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với trước dịch COVID-19.

Xuất khẩu giảm

Thống kê của VINACAS cho thấy, 5 tháng đầu năm, toàn ngành đã xuất khẩu được 206.112 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,19 tỷ USD, giảm 7,81% về lượng, và giảm 6,81 về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021.

Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành điều nhập khẩu khoảng 968.000 tấn điều thô từ nước ngoài với giá trị gần 1,4 tỷ USD, giảm 35,24% về lượng và giảm 37,84% về trị giá. Tuy nhiên nếu xem xét giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ.

Về mùa vụ thu hoạch điều năm 2022 ở Việt Nam và Ấn Độ không thuận lợi, vụ điều tại Việt Nam năm nay đến trễ hơn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ở một số vùng trồng điều chính cũng có dấu hiệu sâu bệnh.

Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch VINACAS phân tích, nửa đầu năm 2022 lượng xuất khẩu nhân điều chỉ giảm nhẹ (20.000 tấn) nhưng lượng điều thô nhập khẩu giảm khá nhiều (giảm 350.000 tấn).

Điều này cho thấy các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu. Giá điều thô đang ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân thấp. Các nhà máy chế biến khó cân đối cho hoà vốn, chưa tính đến lãi.

Theo ông Trần Văn Hiệp, những diễn biến của thế giới như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2021, Nga là thị trường xếp thứ 11 trong tổng số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam với giá trị xuất khẩu gần 62 triệu USD. Từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, việc xuất khẩu hạt điều Việt Nam vào Nga gặp khó khăn khâu thanh toán, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhân điều đi thị trường này.

Lạm phát ở Mỹ, châu Âu đang lan ra khắp thế giới, với việc giá cả các mặt hàng đều đắt đỏ như hiện nay, người dân phải chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu, điều này dẫn đến những mặt hàng không thiết yếu như hạt điều sẽ tiêu thụ chậm và giá điều cũng rất khó tăng trong thời điểm này.

Trong khi đó, thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid khiến việc xuất khẩu nhân điều cũng như các nông sản khác tiếp tục gặp bất lợi.

"Tình hình xuất khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với trước dịch Covid-19. Trong khi đó, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Vì vậy, số lượng nhân điều xuất khẩu dự báo sẽ giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022.

Theo kế hoạch Bộ NN&PTNT đề ra cho ngành điều, năm 2022 toàn ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, VINACAS đã kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu cả năm ở mức khiêm tốn 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021.", ông Trần Văn Hiệp thông tin thêm.

Chia sẻ thực tế tại các doanh nghiệp, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc CTCP Hoàng Sơn 1 cho biết: Tình hình xuất khẩu điều nửa đầu năm 2022 rất nhiều khó khăn do sức mua chậm hơn những năm trước. Điều này xuất phát từ việc năm 2021 nhiều khách hàng ở thị trường lớn đã tăng mua dự trữ do lo ngại dịch Covid-19 dẫn đến lượng tồn kho kéo dài sang năm nay. Thêm vào đó, với tình hình lạm phát như hiện nay, người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm thứ yếu nên sức tiêu thụ hạt điều giảm sút.

Về chế biến, các doanh nghiệp đang gặp vấn đề về giá điều thô nguyên liệu tăng cao hơn 15-20% so với năm trước, cộng với chi phí xăng dầu, vận chuyển liên tục tăng trong khi giá điều nhân xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm. Tại thủ phủ chế biến điều Bình Phước, nhiều nhà máy chế biến nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất để "cắt lỗ", các nhà máy lớn cũng giảm công suất và chế biến cầm chừng vì càng chế biến nhiều thì càng lỗ.

Tập trung cải thiện chất lượng

Ngoài vấn đề cung cầu, giá cả, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký VINACAS cũng nêu một số vấn đề liên quan đến đảm bảo chất lượng của ngành điều. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tắc nghẽn logistics, thiếu contianer rỗng trên quy mô lớn dẫn đến tình trạng nhiều lô điều thô nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam bị chậm tiến độ, một số phải lưu kho thời gian dài làm giảm chất lượng, không đảm bảo chất lượng chế biến xuất khẩu.

Tương tự, một số lô điều nhân chế biến cũng phải lưu kho, sử dụng chất bảo quản, chống sâu mọt đến khi xuất đi thì bị phát hiện dư lượng chất bảo quản, đã có một số lô hàng bị đối tác trả lại hoặc cảnh báo.

Theo ông Trần Hữu Hậu, vấn đề dư lượng chất bảo quản hay chất chống sâu mọt là vấn đề lớn, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, khắc phục bởi việc bị phát hiện dư lượng, trả hàng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu mà cả ngành điều Việt Nam.

Mặc dù là nước xuất khẩu nhân điều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam cũng đã có những đối thủ cầu bắt đầu trỗi dậy, đặc biệt là các nước châu Phi khi họ có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, việc vận chuyển đến các thị trường lớn như Mỹ, EU nhanh hơn, rẻ hơn.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, đảm bảo chất lượng tốt nhất, giao hàng đúng tiến độ để giữ uy tín, lòng tin của khách hàng; đồng thời tập trung nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến để nâng giá trị gia tăng và thương hiệu điều Việt Nam.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS cho biết, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, hiệp hội đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ cập nhật và hướng dẫn thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ…

Đối với Bộ NN&PTNT, hiệp hội kiến nghị tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng. Song song đó, ngành Nông nghiệp cần đánh giá, quy hoạch ổn định là lâu dài các vùng trồng điều.

Trong điều kiện khó gia tăng diện tích điều trong nước thì cần có giải pháp hợp tác khai thác và phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và nam Lào để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.

Về thị trường, ông Phạm Văn Công cũng mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp điều tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng, các rủi ro thương mại cũng như cách ứng phó hiệu quả.

Với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phạm Văn Công lưu ý, trong bối cảnh thương mại thế giới nhiều biến động khó lường, đã xuất hiện tình trạng lừa đảo, tranh chấp xuất khẩu khá nhiều, điển hình như vụ việc 100 container điều xuất khẩu đi Italy vào đầu năm 2022.

Do đó, doanh nghiệp phải lưu ý các điều khoản chi tiết trong hợp đồng, bộ chứng từ xuất khẩu, hình thức thanh toán, xem xét đối tác có đủ tin cậy không. Trước khi ký kết hợp đồng xuất, nhập khẩu phải tìm hiểu kỹ thông tin nhà môi giới có đủ uy tín, tránh các tranh chấp thương mại vì nhiều vụ việc tranh chấp kéo dài đến 3 năm khiến doanh nghiệp thiệt hại cả về tài chính lẫn thời gian để theo đuổi vụ việc.

Xuất khẩu hạt điều Việt Nam đạt gần 2,3 tỷ USD trong 9 tháng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-giam-nganh-dieu-ganh-nhieu-kho-khan-137713.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xuất khẩu giảm, ngành điều "gánh" nhiều khó khăn
    POWERED BY ONECMS & INTECH