Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất
Ngày 16/12, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã tổ chức Lễ xuất xưởng và gắn biển công trình “Thiết kế, chế tạo máy biến áp 500kV - 3x300MVA”.
Báo cáo tại buổi lễ, đại diện EEMC cho biết, xuất phát từ thực tế phát triển của lưới truyền tải điện  500kV Việt Nam những năm gần đây, các máy biến áp (MBA) có gam công suất 3x150MVA và 3x200MVA đã và đang dần được thay thế bằng các MBA có công suất 3x300MVA. Do đó, EEMC nhận thấy cần sớm triển khai nghiên cứu chế tạo MBA 500kV có gam công suất 3x300MVA để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với mục tiêu làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo gam máy biến áp có công suất lớn này, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã đề xuất và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia "Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo tổ máy biến áp lực 500kV-3x300MVA".
Sau khi triển khai rất nhiều hạng mục công việc chuẩn bị cho công tác chế tạo, từ xây dựng phòng thí nghiệm 500kV, nâng cấp nhà xưởng, đầu tư thiết bị công nghệ; từ tháng 9/2024 quá trình sản xuất MBA được tiến hành khẩn trương nhưng thận trọng dưới sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư thiết kế, công nghệ để đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm quan trọng này.
Đến nay, sau khi hoàn thành chế tạo, máy biến áp 500kV- 3x300MVA đã được thử nghiệm và đạt tất cả các hạng mục thử nghiệm xuất xưởng theo tiêu chuẩn IEC.
Đây là thành quả của tinh thần lao động sáng tạo, sự nỗ lực vượt bậc của tập thể kỹ sư, công nhân lao động Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh khi lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV có công suất lớn nhất trên lưới điện truyền tải Việt Nam.
Trong quá trình lịch sử 53 năm của Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh, EEMC cũng đã chế tạo thành công nhiều thiết bị điện là sản phẩm cơ khí tiêu biểu cho chủ trương nội địa hóa, sản xuất trong nước. Vào năm 1995, EEMC đã chế tạo thành công MBA 110 kV công suất 25 MVA và được đưa vào lắp đặt, vận hành an toàn tin cậy tại trạm 110 kV Vĩnh Yên. Đây là sản phẩm điện áp 110kV đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của trong lĩnh vực chế tạo sản phẩm cơ khí điện trong nước. Đến năm 2003, EEMC tiếp tục chế tạo thành công MBA 220kV công suất 125MVA đầu tiên tại Việt Nam, MBA cũng đã được lắp đặt, vận hành an toàn, ổn định tại trạm 220kV Sóc Sơn, Hà Nội.
Đến tháng 10/2010, Tổ máy biến áp 1 pha 3x150 MVA-500kV đầu tiên do EEMC nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đã được gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tháng 11/2011, máy biến áp này đã được đóng điện và đưa vào vận hành thành công tại trạm 500kV Nho Quan (Ninh Bình), hiện nay đang vận hành an toàn tại trạm 500kV Nghi Sơn. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong các nước Đông Nam Á và là một trong số ít quốc gia trên thế giới chế tạo được máy biến áp 500kV.
Trong những năm qua, EEMC sản xuất thành công MBA các cấp điện áp cao (110kV, 220 kV và 500 kV) đã giúp cho ngành điện lực Việt Nam chủ động đầu tư, chống quá tải, giảm nhập khẩu, giúp tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước và nâng cao tính cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập của nước ngoài. Điều này cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu chúc mừng EEMC tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần sáng tạo của EEMC đã tập trung nghiên cứu, chế tạo, sản xuất máy biến áp 500kV lớn nhất Việt Nam cho hệ thống truyền tải. Điều này cũng chứng minh tinh thần sáng tạo, khả năng làm chủ khoa học công nghệ trong sản xuất thiết bị điện mang dấu ấn Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, để thực hiện Luật Điện lực vừa mới được thông qua, cũng như các quy hoạch, chiến lược năng lượng đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, sắp tới Bộ Công Thương sẽ ban hành danh mục các thiết bị điện sản xuất trong nước.
Do đó, dung lượng và thị trường thiết bị điện còn rất lớn, rất mong với những thành quả đạt được, EEMC sẽ tiếp tục phát huy thành quả đạt được, tận dụng cơ hội, phấn đấu hơn nữa để tiếp tục góp phần phát triển ngành điện Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN đánh giá, EEMC cần 22 năm kể từ khi thành lập để thiết kế, chế tạo thành công MBA 110kV-25MVA đầu tiên tại Việt Nam năm 1993; Sau 10 năm tiếp theo, EEMC cho ra đời máy biến áp 220 kV năm 2003; và EEMC chỉ cần thêm 7 năm nữa để có thể thiết kế, chế tạo máy biến áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2010.
Năm 2019, EEMC đã chủ động hợp tác quốc tế, thiết kế và chế tạo thành công máy biến áp đầu cực nhà máy điện ba pha 500kV - 467MVA, là máy biến áp đầu cực thủy điện lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, năm 2024 này, EEMC tiếp tục đạt được bước phát triển mới khi thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV - 3x300MVA. Đây là gam máy biến áp lớn nhất trên hệ thống truyền tải điện 500kV của Việt Nam.
"Những kết quả trên một lần nữa khẳng định truyền thống sáng tạo trong lao động sản xuất của tập thể cán bộ công nhân viên EEMC, không ngừng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới bám sát theo yêu cầu của thị trường" - Ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Việc thiết kế, chế tạo thành công MBA 500kV - 3x300MVA đã giúp EEMC đào tạo được đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư công nghệ, quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề để làm chủ dây chuyền thiết bị công nghệ chế tạo máy biến áp 500kV. Thành công này cũng là tiền đề để Tổng công ty Thiết bị Đông Anh (EEMC) tiếp tục phấn đấu nghiên cứu phát triển sản phẩm mới như: biến dòng điện, biến điện áp, kháng điện 500 kV, trạm GIS cách điện bằng khí sạch, dao cách ly… góp phần nội địa hóa các thiết bị điện chính trên lưới điện Việt Nam.
Dự án "thiết kế, chế tạo MBA 500kV - 3x300MVA" được thực hiện thành công và gắn biển là hành động thiết thực nhất của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên EEMC để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).
>> Nam Định tạo điều kiện triển khai các dự án truyền tải 
Bắc Giang sắp đón dự án truyền tải điện gần 500 tỷ, quy mô công suất 500MVA 
Hải Dương chấp thuận dự án truyền tải điện gần 740 tỷ đồng