Bất động sản

10 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ sắp trình HĐND TP.HCM

Tuấn Kiệt 09/11/2023 - 12:53

Cầu đường Nguyễn Khoái, đoạn 2 của Vành đai 2, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định... nằm trong danh mục 10 dự án giao thông sắp trình HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư.

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP trình HĐND TP xem xét thông qua chủ trương đầu tư 10 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó có những dự án hạ tầng giao thông với nguồn vốn lớn, ý nghĩa quan trọng trong việc giải tỏa ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố.

36939828410510123859333545239631436850761979n 16990872003421110353378.jpg
Phối cảnh dự án cầu đường Nguyễn Khoái tại điểm đầu giao đường Võ Văn Kiệt (Ảnh: Sở GTVT TP.HCM)

Tại khu Nam TP.HCM, dự án cầu đường Nguyễn Khoái kết nối quận 1 với quận 4, quận 7 có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1.264 tỷ đồng, chi phí xây dựng 1.748 tỷ đồng). Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài gần 2,5km, phần đường dài hơn 2,3km.

Theo Sở GTVT, dự án cầu đường này sẽ vượt qua kênh Tẻ và rạch Bến Nghé, khi hoàn thành sẽ tạo thành trục đường chính kết nối khu Nam với vùng lõi trung tâm TP.HCM, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cầu Kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y, đường Nguyễn Tất Thành.

Dự án cũng góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao...

Hiện nay, dự án đã hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh. Nếu dự án được thông qua, trong năm 2024 sẽ hoàn thành các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công xây dựng công trình, bao gồm các hạng mục cầu và đường dẫn phía quận 1 vào quý 4 năm 2024.

Năm 2025 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án, bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công. Năm 2026 - 2027 tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ công trình đưa vào khai thác, giúp giảm tải cho cầu Kênh Tẻ, mở trục đường mới từ khu Nam ra, vào trung tâm TP.HCM.

picture5 169877136420623753100.jpg
Phối cảnh nút giao ba tầng dự án đường vành đai 2. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.

Ở phíaĐông TP.HCM có loạt công trình hạ tầng với nguồn vốn lớn được kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc.

Đầu tiên là dự án đường Vành đai 2 (đoạn 2) từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, thuộc TP. Thủ Đức.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Sở GTVT, đoạn Vành đai 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km, được đề xuất xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 67m là khoảng 1.956 tỷ đồng.

Dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên, mỗi đường rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe, để trống ở giữa 34m (đất dự phòng để mở rộng đường sau này). Đồng thời, xây dựng 2 nhánh cầu Rạch Ngang, xây dựng nút giao 3 tầng tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2.

Đoạn đường này khi hoàn thành sẽ góp phần khép kín Vành đai 2 TP.HCM dài 60km, giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô và kết nối cảng biển, các tuyến giao thông quan trọng khác như Xa lộ Hà Nội, đường Võ Nguyên Giáp, đường Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, QL 1, QL 13...

Dự án quan trọng khác là nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy) với tổng mức đầu tư hơn 2.075 tỷ đồng và dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp có tổng vốn hơn 868 tỷ đồng.

Ở phía Tây TP.HCM, dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc (Hương lộ 80, từ Tỉnh lộ 10 đến ranh huyện Hóc Môn) có tổng mức đầu tư 4.344 tỷ đồng.

z4847531994891-dccca1e1ea516fde34b6e843fe575d89-1.jpg
Phối cảnh cầu vượt bộ hành qua Xa lộ Hà Nội kết nối ga Metro số 1. Ảnh: MAUR

Ngoài các dự án hạ tầng đường bộ, Sở GTVT đề xuất 3 dự án có tổng vốn hơn 590 tỷ đồng để làm tốt công tác quản lý, khai thác hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Các dự án này gồm: Tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông (hơn 350 tỷ đồng); đầu tư hệ thống điều khiển giao thông linh hoạt các trục giao thông chính (180 tỷ đồng); đầu tư bổ sung hệ thống camera giám sát phục vụ công tác kiểm soát giao thông (60 tỷ đồng).

Sở GTVT cũng đề xuất chi gần 49 tỷ đồng lắp thang máy tại các cầu vượt bộ hành kết nối nhà ga trên cao tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhằm phục vụ tốt hơn cho người già, trẻ em và người khuyết tật.

Dự án cuối cùng là phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Dự án xây kè chống sạt lở hai đoạn bờ sông ở TP. Thủ Đức và huyện Nhà Bè với tổng chiều dài hơn 500m.

Hồi tháng 9 vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp. Tuyến đường dài 3,5km với tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 67m khoảng 6.675 tỷ đồng.

HĐND TP.HCM cũng thông qua tờ trình về phương án đầu tư BOT trên đường hiện hữu với 5 dự án có kinh phí khoảng 37.000 tỷ đồng, gồm: Nâng cấp, mở rộng QL 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng QL 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp QL 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Cháy lớn nhà trọ 5 tầng ở TPHCM, 2 người tử vong

Tỉnh giàu nhất Việt Nam dự chi hơn 3.500 tỷ làm nút giao kết nối với TP. HCM

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/10-du-an-giao-thong-voi-tong-muc-dau-tu-hon-16-000-ty-sap-trinh-hdnd-tp-hcm-2212798.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    10 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ sắp trình HĐND TP.HCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH