10 năm không nhận cổ tức, thời điểm cổ đông Sacombank (STB) ‘hái quả ngọt’ ngày càng đến gần
Sau khi bán đấu giá thành công 32,5% cổ phần tại VAMC, Sacombank (STB) có thể trả cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ cho ngân hàng.
Khởi động tái cơ cấu và thách thức
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - HoSE: STB ) từng được biết đến với chính sách cổ tức khá ổn định, trước năm 2015, tỷ lệ cổ tức của Sacombank trung bình đạt 13,3%/năm (bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu).
Lịch sử trả cổ tức của Sacombank giai đoạn 2006-2014 |
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, Sacombank bước vào giai đoạn tái cơ cấu đầy thách thức. Vấn đề nợ xấu từ Phương Nam khiến Sacombank phải tập trung xử lý tài sản có vấn đề và trích lập dự phòng rủi ro. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông.
Từ năm 2016-2019, Sacombank chịu sức ép lớn để cải thiện tình hình tài chính và tập trung nguồn lực vào giải quyết nợ xấu, ổn định hoạt động kinh doanh. Do vậy, trong suốt giai đoạn này, Sacombank không thể trả cổ tức do phải ưu tiên xử lý tài sản tồn đọng.
Tăng trưởng và tiến gần đến chi trả cổ tức
Giai đoạn 2020-2023 đánh dấu sự hồi phục ổn định của Sacombank khi tỷ lệ nợ xấu giảm dần và lợi nhuận sau thuế có những cải thiện tích cực. Trong báo cáo thường niên 2020, Sacombank lần đầu tiên sau nhiều năm công bố kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng chưa được nhận sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước.
Đến năm 2021 và 2022, hoạt động kinh doanh của Sacombank tiếp tục ổn định, lợi nhuận ròng tăng trưởng khả quan nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí và tăng trưởng tín dụng. Trong giai đoạn này, Sacombank cũng đã đề xuất phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh dài hạn.
Bước sang năm 2023, Sacombank mang về 9.595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51% so với năm 2022 và vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Mặc dù đạt được kết quả kinh doanh (KQKD) khả quan, Sacombank vẫn chưa tiến hành chi trả cổ tức vì ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu và cần tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề nội tại.
Kết quả kinh doanh của Sacombank giai đoạn 2020-2023 |
Thời điểm tái cơ cấu hoàn thành và “trái ngọt” cổ tức
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Dương Công Minh  - Chủ tịch HĐQT Sacombank từng bày tỏ: “Hiện Sacombank chỉ còn 1 vấn đề duy nhất để hoàn thành đề án tái cơ cấu là liên quan đến số cổ phần của ông Trầm Bê. Sacombank đang chờ NHNN duyệt cho phép bán 32% vốn điều lệ liên quan số cổ phần này, sau khi hoàn tất thì sẽ tái cấu trúc thành công. Nợ xấu của chúng ta cũng sẽ về dưới 3%”.
Cũng tại đại hội, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm  - Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ: “Sau khi được phê duyệt đấu giá xong thì chúng tôi không có lý do gì để không chia cổ tức. Hiện tại lợi nhuận chưa phân phối là 18.400 tỷ đồng, cũng tương đương với 100% vốn điều lệ. Ngân hàng đã sẵn sàng rồi”.
Ông Dương Công Minh trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 |
Nói đi đôi với làm, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã có những động thái tích cực trong việc xử lý các khoản nợ xấu. Cụ thể, đầu năm 2024, Sacombank đã tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án KCN Phong Phú với giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng. Đến tháng 4/2024, ngân hàng thông báo đã đấu giá thành công khoản nợ này, thu hồi được 20% tổng giá trị bán đấu giá.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, Sacombank sẽ tiếp tục nhận được 40% trong năm 2024 và 40% trong năm 2025 theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý của dự án. KCN Phong Phú là tài sản bảo đảm cho khoản nợ với nợ gốc tại Sacombank là 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là 11.061 tỷ đồng tính đến cuối 2021. Theo đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC ) ước tính giá trị bán đấu giá thành công khoảng 7.900 tỷ đồng giúp Sacombank ghi nhận hoàn nhập và cải thiện KQKD trong năm 2025 sau khi đã nhận được đầy đủ khoản thanh toán của bên mua tài sản.
Bên cạnh đó, Sacombank đã trình lên NHNN để xử lý theo hình thức bán đấu giá 32,5% cổ phần tại VAMC. Nếu NHNN duyệt phương án, ngân hàng có thể triển khai bán đấu giá. Cổ phần tại VAMC này là tài sản bảo đảm cho một khoản nợ xấu. Trong kịch bản tích cực, BVSC kỳ vọng số tiền trúng thầu có thể giúp STB hoàn nhập một phần hoặc toàn bộ dự phòng khoản nợ xấu này.
Sacombank dự kiến sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu sau khi trích lập xong trái phiếu VAMC và xử lý 32,5% cổ phần tại VAMC. Sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu, ngân hàng có thể thực hiện đầy đủ các hoạt động, có thể trả cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ để gia tốc tăng trưởng.
“Tôi là cổ đông lớn nhất nhưng quy định là phải tái cơ cấu xong mới được chia cổ tức, chúng tôi quyết tâm thực hiện trong năm 2024”, ông Dương Công Minh chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
>> VAMC rao bán một khoản nợ xấu tại Sacombank (STB), khởi điểm 956 tỷ đồng
Một cổ đông 'ôm' gần 100 triệu cổ phiếu STB chờ Sacombank chia cổ tức 
Sacombank (STB) có hơn 9.000 tỷ đồng nợ khả năng mất vốn