103.000 lệnh mua với lượng đặt mua gần 262 triệu cổ phiếu VND (VNDirect) đã được ghi nhận trong các phiên 6 và 7/7.
VN-Index tăng nhẹ 3 phiên đầu tuần trước khi điều chỉnh trở lại trong phiên 6/7. Phiên này VN-Index giảm 8,4 điểm, tâm điểm là mức giảm cận sàn của VND (VNDirect) cùng gần 106 triệu cổ phiếu được sang tay.
Kết tuần (3 - 7/7), VN-Index tăng 17,9 điểm (+1,6%) tại 1.136,4 điểm. Tuy nhiên trong vùng thời điểm, cổ phiếu VND giảm gần 6,4% từ mức 18.900 đồng/cp.
Nếu chỉ tính 3 phiên cuối tuần, VND thậm chí đã giảm gần 10%. Đây cũng là mức lỗ mà những nhà đầu tư đã mua vào ở mức đóng cửa phiên 4/7.
Với phiên giảm cận sàn về mức 18.050 đồng/cp ngày 6/7, gần 106 triệu cổ phiếu VNDirect đã được sang tay (tương đương 8,7% khối lượng đang lưu hành) - vượt kỷ lục cũ 72,1 triệu cổ phiếu phiên 19/5 và bằng tổng thanh khoản 4 mã xếp sau (gồm HPG, SHB, SSI và STB) cộng lại.
Diễn biến cổ phiếu sàn HOSE phiên 6/7 theo khối lượng giao dịch |
Gần 2.000 tỷ đồng giá trị giao dịch cổ phiếu VND đã được ghi nhận trong phiên - chiếm 10,7% giá trị giao dịch trên sàn HOSE.
Chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Nhân - chuyên gia chứng khoán từ KBSV cho rằng những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu VND trong phiên 6/7 sẽ khó có thể ghi nhận các mức lãi T+.
Dù VND không xuất hiện trạng thái dư bán sàn ồ ạt song vận động ngắn hạn của cổ phiếu này đang khá tương đồng với diễn biến ở nhóm cổ phiếu APEC  (APS, API, IDJ) tuần qua.
Cần lưu ý rằng, phiên chiều ngày 10/7 tới, 106 triệu cổ phiếu VND sẽ đổ về tài khoản nhà đầu tư. Ông Nhân cho rằng, con số khổng lồ này có thể tạo sức ép lớn trong trường hợp cổ phiếu VND tiếp tục điều chỉnh (một số nhà đầu tư theo trường phái đầu tư T+ có thể bán cắt lỗ).
Nhìn lại lịch sử phiên 6/7/2021, cổ phiếu VND từng có diễn biến giảm mạnh tương tự. Sau đó mã xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trước khi tiếp tục giảm giá. Phiên 7/7 vừa qua, cổ phiếu VNDirect từng có thời điểm bị bán về sát mức sàn 16.800 đồng trước khi hình thành mẫu nến rút chân và đóng cửa tại 17.700 đồng/cp (thanh khoản cả phiên đạt gần 50 triệu đơn vị).
Diễn biến giá cổ phiếu VND |
Thông thường, 1 cổ phiếu vào xu hướng giảm sẽ cần 2 - 3 tuần để tìm trạng thái cân bằng, tích lũy trước khi tăng trở lại. Dù khó có thể giảm sâu như nhóm cổ phiếu APEC song rủi ro đối với với những nhà đầu tư đua lệnh cổ phiếu VND 3 phiên gần nhất đã bắt đầu hiện hữu.
103.000 lệnh mua  với lượng đặt mua gần 262 triệu cổ phiếu VND đã được ghi nhận trong các phiên 6 và 7/7. Cùng thời điểm, phe bán tung ra gần 56.000 lệnh, khối lượng đặt bán ở mức 301 triệu cổ phiếu. Đây đều là những con số đột biến so với ghi nhận trong trạng thái bình thường của mã chứng khoán này.
Quan sát diễn biến dòng tiền, hiện giao dịch của nhóm "cá mập" ở cổ phiếu VND đã bắt đầu suy yếu trong 8 phiên gần nhất; dòng tiền nhỏ lẻ quay trở lại mạnh mẽ với mức đóng góp khoảng hơn 20 - 26% tổng khối lượng khớp lệnh 2 phiên vừa qua.
Sự gia tăng của dòng tiền nhỏ lẻ (thường có yếu tố không chắc chắn) là điều nhà đầu tư cần lưu ý ở cổ phiếu VND lúc này. Đặc biệt trong bối cảnh câu chuyện trái phiếu, thanh toán lãi/mua lại trước hạn hay đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang là chủ đề nóng được quan tâm. Trong khi đó, VNDirect lại là "tay buôn" trái phiếu doanh nghiệp với khoản đầu tư tại thời điểm 31/3/2023 lên tới hơn 9.800 tỷ đồng.
Xem thêm: Hơn 10.000 tỷ đồng tiền ngoại rút khỏi cổ phiếu EIB (Eximbank)
Kỳ vọng lọt rổ VN30, cổ phiếu LPB tăng trần trong ngày chốt quyền cổ tức 
Cổ phiếu Hoàng Huy (TCH) về sát giá trị sổ sách, chờ bứt phá với loạt dự án BĐS sắp bàn giao