2 tỉnh, thành giàu có của Việt Nam sẽ kết nối bằng siêu cầu 19.000 tỷ thay cho hầm vượt sông như đề xuất
Dự kiến, tổng chi phí đầu tư xây dựng siêu cầu này khoảng 19.000 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Thông tin từ báo Tuổi trẻ, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái  theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Quyết định này được đưa ra trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan về phương án xây cầu hoặc hầm Cát Lái vượt sông kết nối với TP. HCM vào chiều 30/12/2024.
Theo đó, tổng chiều dài tuyến nghiên cứu (bao gồm đường dẫn hai đầu cầu) hơn 11,3km gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế từ 80-100km/h.
Điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy (TP. Thủ Đức, TP. HCM) khoảng 400m. Điểm cuối kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Sở GTVT được giao phối hợp đơn vị tư vấn làm việc với TP. HCM để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai và TP. HCM vẫn chưa thống nhất được thời gian xây dựng cầu Cát Lái. Trong khi tỉnh Đồng Nai muốn khởi công dự án trước năm 2025 thì TP. HCM đề xuất xây dựng cầu Cát Lái sau năm 2030. Vì vậy, đến nay 2 địa phương vẫn chưa thống nhất được thời gian xây dựng cây cầu.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai giao Sở GTVT và đơn vị tư vấn làm việc với ngành chức năng TP. HCM để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái. Các đơn vị xem xét, hoàn thiện hướng tuyến dẫn lên cầu Cát Lái, hạn chế tối đa tuyến đường đi qua các công trình tôn giáo, chồng lấn với các quy hoạch khác.
Gần 10 năm trước, dự án cầu Cát Lái, nối thành phố Thủ Đức - TP. HCM và huyện Nhơn Trạch , tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch.
Dự án làm cầu vượt sông thay thế phà Cát Lái đã được bàn thảo trong nhiều năm. Gần nhất, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án thay thế phà Cát Lái gồm xây cầu, hầm dìm và hầm khoan vượt sông.
Chi phí cho 3 phương án này là: dự án xây cầu có tổng chi phí đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, làm hầm dìm chi phí trên 24.500 tỷ đồng, hầm khoan chi phí trên 33.000 tỷ đồng.
Qua phân tích, cân nhắc các yếu tố của 3 phương án, các ngành chức năng của Đồng Nai đều thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái bởi việc làm cầu giúp tiết kiệm chi phí, trong khi vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.
Tuy nhiên, hướng tuyến đường dẫn lên cầu (địa phận Đồng Nai) sẽ được điều chỉnh về phía tây của tuyến quy hoạch, cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thông trực tiếp giữa thành phố Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch. Đặc biệt, sau khi sân bay Long Thành hoạt động, dự án này làm giảm một lượng xe từ TP. HCM đến sân bay Long Thành  và ngược lại.
TP. HCM và tỉnh Đồng Nai là 2 tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển của khu vực Đông Nam Bộ cũng như cả nước. Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Đứng thứ hai là Hà Nội với mức thu nhập 6,86 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai giữ vị trí thứ ba với thu nhập bình quân 6,57 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM đứng vị trí thứ 4 với 6,51 triệu đồng/người/tháng.
Chốt phương án xây cầu Cát Lái hơn 11km với 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ 
Đề xuất làm hầm vượt sông Đồng Nai thay thế xây cầu Cát Lái