Bất động sản

3 dự án tại Việt Nam đang được Quỹ đầu tư 830 tỷ USD muốn triển khai ‘nhanh nhất có thể’

Quốc Chiến 30/10/2024 12:00

Quỹ đầu tư 830 tỷ USD tại UAE sẵn sàng triển khai 3 dự án được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra trong buổi gặp mặt vừa qua.

Sáng ngày 29/10 vừa qua, tại Abu Dhabi, trong chương trình thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sheikh Hamed Bin Zayed Al Nahyan - Giám đốc Quỹ Đầu tư quốc gia Abu Dhabi (ADIA).

ADIA (1976) là cơ quan đại diện cho Chính phủ Abu Dhabi, UAE trong việc quản lý các quỹ đầu tư của Abu Dhabi. ADIA đang quản lý tài sản khoảng 830 tỷ USD, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới.

3 dự án tại Việt Nam đang được Quỹ đầu tư 830 tỷ USD muốn triển khai ‘nhanh nhất có thể’
Thủ tướng khẳng định Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, ổn định, bền vững, lâu dài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đang xây dựng các cảng biển lớn, sân bay Long Thành với vai trò trung chuyển quốc tế; chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn khoảng 67 tỷ USD, cùng nhiều dự án đường sắt khác có nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng khai thác các không gian phát triển mới.

Ông Sheikh Hamed Bin Zayed Al Nahyan nhất trí cao và cho biết ADIA sẵn sàng triển khai các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện các dự án hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mà Thủ tướng đề cập, đây cũng là những lĩnh vực hàng đầu của ADIA với nhiều kinh nghiệm. ADIA cũng sẵn sàng đưa ra các khuyến nghị, giúp đỡ phía Việt Nam xây dựng, phát triển các quỹ đầu tư. Ông cho biết sẽ nhanh chóng cử đoàn công tác tới Việt Nam để sớm biến các ý tưởng hợp tác này thành hiện thực nhanh nhất có thể.

Về sân bay Long Thành, dự án nằm tại tỉnh Đồng Nai, hiện là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không khu vực.

Khi hoàn thành, sân bay Long Thành không chỉ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới cho ngành hàng không và du lịch, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Theo kế hoạch, sân bay Long Thành sẽ được triển khai qua ba giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD.

>> TP lớn thứ 3 Việt Nam chuẩn bị tung hàng nghìn căn hộ giá rẻ ra thị trường

Dự kiến giai đoạn đầu của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025, phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi hoàn tất cả ba giai đoạn, sân bay sẽ đạt công suất phục vụ 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, có thể sánh ngang với các sân bay lớn trong khu vực châu Á.

3 dự án tại Việt Nam đang được Quỹ đầu tư 830 tỷ USD muốn triển khai ‘nhanh nhất có thể’
Bối cảnh 3D dự án sân bay Long Thành. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ

Với diện tích hơn 5.000ha, sân bay Long Thành được thiết kế hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa vận hành, đảm bảo an ninh và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho hành khách. Dự án không chỉ có vai trò chiến lược trong việc kết nối Việt Nam với thế giới mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực hạ tầng, logistics, dịch vụ thương mại và du lịch.

Vào tháng 9 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - ông Lại Xuân Thanh cho biết, dự án có đủ cơ sở để hoàn thành đúng kế hoạch. Hiện tại, các gói thầu chính của dự án đang đảm bảo tiến độ, trong đó hai công trình quan trọng là nhà ga hành khách và đường cất - hạ cánh đều vượt tiến độ.

"Với tiến độ hiện tại, ACV dự kiến hoàn thành dự án trước ngày 31/8/2026, và đến ngày 2/9/2026, cảng hàng không Long Thành sẽ đón chuyến bay thương mại đầu tiên", ông Lại Xuân Thanh cho biết thêm.

Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của Việt Nam với mục tiêu kết nối nhanh chóng và thuận tiện các tỉnh thành trên cả nước.

Dự án được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là bước tiến lớn trong hiện đại hóa hệ thống giao thông đường sắt, mà còn góp phần giảm tải cho mạng lưới đường bộ, hạn chế ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

3 dự án tại Việt Nam đang được Quỹ đầu tư 830 tỷ USD muốn triển khai ‘nhanh nhất có thể’
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, dự án này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị hóa và thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.

>> Trung bình mỗi năm cần giải ngân 5,6 tỷ USD để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là giải pháp giao thông tiên tiến mà còn là cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, giảm khí thải và bảo vệ môi trường. Dự án này cũng kỳ vọng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm giao thông khu vực và quốc tế.

Dự kiến, Quốc hội sẽ nghe tờ trình về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào sáng ngày 13/11, sau đó thảo luận tại tổ vào buổi chiều và thảo luận tại hội trường vào ngày 20/11. Nếu đạt được sự đồng thuận cao, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương vào ngày bế mạc (30/11).

Về trung tâm dữ liệu Quốc gia, đây một dự án trọng điểm của Việt Nam được xây dựng nhằm cung cấp hạ tầng công nghệ hiện đại, bảo mật và đáp ứng nhu cầu lưu trữ, xử lý khối lượng lớn dữ liệu quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số, với mục tiêu giúp Việt Nam phát triển một hệ thống dữ liệu đồng bộ, tối ưu hóa việc quản lý và khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước và các tổ chức công.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng quản trị dữ liệu toàn cầu. Trung tâm Dữ liệu Quốc gia theo kế hoạch sẽ lưu trữ và quản lý các nguồn dữ liệu quan trọng về dân số, kinh tế, y tế, giáo dục, đồng thời hỗ trợ các lĩnh vực thiết yếu như an ninh, tài chính và công nghiệp.

3 dự án tại Việt Nam đang được Quỹ đầu tư 830 tỷ USD muốn triển khai ‘nhanh nhất có thể’
Ảnh minh họa

Dự án này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước mà còn giúp cải thiện trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận các dịch vụ công. Trung tâm cũng đóng vai trò là xương sống của các hệ thống thông tin quốc gia, giúp Việt Nam phát triển chính phủ điện tử và tiến tới một nền kinh tế số toàn diện.

Các chuyên gia nhận định rằng việc thành lập Trung tâm Dữ liệu Quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và tối ưu hóa hoạt động quản trị, tạo nền tảng cho một xã hội số an toàn và hiệu quả. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư quốc tế vào lĩnh vực công nghệ, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực ASEAN.

Lộ trình thực hiện Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng cơ sở (từ năm 2023 - 2025); giai đoạn 2 là mở rộng (từ năm 2026 - 2028); giai đoạn 3 - phát triển (từ năm 2029 - 2030).

>> Vincom Retail (VRE) hoàn thành 68% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng, sắp mở thêm TTTM thứ 88 trên cả nước

Lộ diện liên danh trúng gói thầu hơn 11.000 tỷ tại dự án sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam

Giải quyết dứt điểm các dự án bất động sản “đắp chiếu”: cần chế tài mạnh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/3-du-an-tai-viet-nam-dang-duoc-quy-dau-tu-830-ty-usd-muon-trien-khai-nhanh-nhat-co-the-256949.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    3 dự án tại Việt Nam đang được Quỹ đầu tư 830 tỷ USD muốn triển khai ‘nhanh nhất có thể’
    POWERED BY ONECMS & INTECH