Bất động sản

35.000 tỷ đồng mở rộng 3 cửa ngõ TPHCM bằng đường trên cao

Tuấn Kiệt 18/11/2024 07:13

Quốc lộ 13, trục Bắc - Nam, cầu - đường Bình Tiên là 3 trong 5 dự án nâng cấp, mở rộng cửa ngõ theo hình thức BOT mà Nghị quyết 98 cho phép TPHCM thí điểm.

TPHCM đang nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi cho 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng các cửa ngõ trọng điểm nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông và cải thiện khả năng kết nối khu vực.

5 dự án bao gồm: quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3); đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); cầu - đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

z603445414639575d260d45f012490e32415b79e24a1c3 17316437594111313529487.jpg
Việc đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu theo phương án đi trên cao được đánh giá sẽ tối ưu khi giúp giảm giao cắt, xung đột giao thông. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.

3 dự án BOT đi trên cao cần tổng vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng

Dự án mở rộng quốc lộ 13 (đoạn qua TP Thủ Đức): là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía bắc TPHCM thường xuyên ùn tắc do khả năng đáp ứng của hạ tầng hạn chế.

Báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án, trục cửa ngõ này dài 5,95 km (từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương) hiện chỉ rộng từ 19-26m, với 10 nút giao thông (2 nút giao khác mức và 8 nút giao đồng mức).

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Thủ Đức (đang được Bộ Xây dựng thẩm định), định hướng biến quốc lộ 13 thành tuyến đường tốc độ cao, với bề rộng 60m.

W-quoc lo 13 1504.jpg
Quốc lộ 13 qua địa bàn TP Thủ Đức thường xuyên ùn tắc giao thông vì quá tải. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Theo tư vấn, qua so sánh 2 phương án đi thấp và đi trên cao (cầu cạn) thì phương án xây dựng đường trên cao dài 3,7km từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước là khả thi nhất.

Đường trên cao có 4 làn xe (vận tốc 80km/h), xây dựng 2 đường song hành phía dưới, mỗi bên rộng 3 làn (vận tốc 60km/h). Đồng thời, tại nút giao cầu Bình Lợi và nút giao Bình Phước sẽ xây hầm chui 2 chiều.

Tổng mức đầu tư sơ bộ gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 14.500 tỷ đồng.

ql13 1 17316366692572029528514.jpg
Dự án mở rộng quốc lộ 13 theo phương án đi trên cao (cầu cạn) có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.

Tư vấn cho biết, so với phương án đi thấp (tổng vốn 18.296 tỷ đồng), đường trên cao có chi phí xây dựng cao hơn (khoảng 1.339 tỷ đồng), nhưng được đánh giá là tối ưu hơn về lâu dài. Đường trên cao ít giao cắt với các tuyến phía dưới, tạo thông suốt giúp xe chạy nhanh.

Dự án đường trục Bắc – Nam (đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành): Báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi, tuyến có tổng chiều dài 8,6km, quy mô mặt cắt ngang 60m là đường tốc độ cao. Trên tuyến có 7 nút giao (bao gồm 4 nút giao khác mức và 3 nút giao đồng mức).

Qua so sánh các phương án, tư vấn đề xuất làm đường trên cao cần tổng vốn gần 8.500 tỷ đồng, nhiều hơn so với phương án đi thấp khoảng 1.000 tỷ. Tuy nhiên, phương án này giúp hạn chế giao cắt với các đường hiện hữu.

Quy mô 4 làn xe đường trên cao, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng làn 3,75m. Đường song hành 2 bên với vận tốc thiết kế 60 km/h, rộng 3,5m mỗi làn.

z6037678121629_a1e8305ebab2ccf502a73a140504c088.jpg
Tổng thể sơ đồ tuyến đường trục Bắc - Nam được đề xuất làm trên cao, mức đầu tư 8.483 tỷ đồng. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.

Khi hoàn thành, dự án sẽ hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đường Vành đai 2 với Vành đai 3 và sau này là Vành đai 4, đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế Long Thành.

Cầu - đường Bình Tiên: Báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án này dài 3,66km, bắt đầu từ nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu, trước khi nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Để đảm bảo lưu thông thuận lợi, toàn bộ tuyến được đề xuất xây dựng trên cao bằng cầu cạn, rộng từ 30-40m, đáp ứng 4-6 làn xe.

cau duong binh tien 2 1731631901563135722174.jpg
Sơ đồ tuyến dự án cầu - đường Bình Tiên. Ảnh: Sở GTVT TPHCM.

Đường trên cao sẽ có các nhánh kết nối xuống đường Võ Văn Kiệt, Bình Đông, Hoài Thanh, Tạ Quang Bửu và Nguyễn Văn Linh, giúp giao thông liên thông với các tuyến đường hiện hữu.

Dự áncó tổng vốn đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 2.529 tỷ đồng, hơn 2.878 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng...

Khi hoàn thành, cầu đường Bình Tiên sẽ tạo thêm một trục đường mới từ trung tâm TPHCM ra đại lộ Nguyễn Văn Linh, từ đó kết nối thuận tiện với quốc lộ 50, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3. Công trình không chỉ giúp giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, mà còn thúc đẩy kết nối vùng, đặc biệt là với các tỉnh miền Tây.

>> Cần 60.000 tỷ đồng làm 5 dự án BOT mở rộng cửa ngõ TPHCM

TP. HCM: Dự chi hơn 8.000 tỷ làm tuyến đường trên cao 4 làn xe nối quận 7 tới huyện Nhà Bè

Giải phóng 'nút thắt cổ chai' ở quốc lộ 13: Kỳ vọng phát triển kinh tế vùng hiệu quả

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/35-000-ty-dong-mo-rong-3-cua-ngo-tphcm-bang-duong-tren-cao-2342605.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    35.000 tỷ đồng mở rộng 3 cửa ngõ TPHCM bằng đường trên cao
    POWERED BY ONECMS & INTECH