4 dự án giao thông trọng điểm của TPHCM về đích trong năm 2024
Metro số 1, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ… là những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM hoàn thành trong năm 2024.
Metro số 1
Được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2007 và khởi công năm 2012, ngày 22/12 vừa qua, metro số 1  (Bến Thành - Suối Tiên) với kinh phí hơn 43.700 tỷ đồng mới chính thức vận hành.
Tuyến metro số 1 mở ra phương thức vận tải khối lượng lớn, kết nối khu trung tâm với cửa ngõ phía đông TPHCM với chiều dài 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm, 11 trên cao) và Depot Long Bình rộng 20ha tại TP Thủ Đức.
Metro số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi tàu 3 toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tàu chạy tốc độ tối đa 110km/h đối với đoạn trên cao và 80km/h với đoạn ngầm.
Bình quân mỗi ngày, tuyến có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h-22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút. Hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) đến ga Bến Thành, quận 1 khoảng 30 phút.
Tính đến ngày 30/12, sau 9 ngày vận hành hành chính thức, tuyến metro số 1 đã phục vụ 998.124 lượt hành khách với tổng cộng 1.762 chuyến tàu, đạt trung bình khoảng hơn 566 khách/chuyến.
Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
Ngày 30/12, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 thông xe nhánh hầm theo hướng huyện Bình Chánh đi quận 7, đánh dấu bước ngoặt hoàn thành dự án giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu tháng 10, nhánh hầm theo hướng quận 7 đi huyện Bình Chánh đã được thông xe.
TPHCM triển khai dự án xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ giai đoạn 1 với vốn đầu tư 830 tỷ đồng vào tháng 4/2020. Dự án có quy mô xây dựng 2 nhánh hầm ở mỗi chiều đại lộ Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456m với 3 làn xe, phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ.
Khi đưa vào sử dụng, công trình góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao thông cửa ngõ phía Nam TPHCM, đồng thời tạo ra sự thông thoáng cho tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm thành phố với huyện Nhà Bè và cảng Hiệp Phước.
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50
Một đoạn đường song hành quốc lộ 50 vừa được TPHCM đưa vào khai thác ngày 30/12 giúp giảm áp lực giao thông cho quốc lộ hiện hữu.
Đây là một phân đoạn của dự án mở rộng quốc lộ 50 (qua huyện Bình Chánh), được khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Toàn dự án dài gần 7km, bắt đầu từ đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh đến giáp ranh tỉnh Long An.
Trong đó, khoảng 4,2km làm tuyến mới song hành quốc lộ 50, đoạn còn lại mở rộng đường hiện hữu lên 34m với 6 làn xe. Do vướng giải phóng mặt bằng, khoảng 2km được thông xe trước, phần còn lại dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm sau.
Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa
Dự án được khởi công ngày 24/12/2022 với tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024 nhưng bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng.
Dù vậy, trong năm qua, nhiều hạng mục quan trọng của dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần giảm tải ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, ngày 10/8, hầm chui trị giá 200 tỷ đồng xuyên giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn chính thức thông xe sau 1,5 năm xây dựng. Quy mô hạng mục này dài 600m, bề rộng mặt cắt ngang 30m với 6 làn xe. Trong đó, hầm chui dài 402m, bao gồm phần hầm kín dài 42m, rộng 9,75m và phần hầm hở dài 360m, rộng 9,25m.
Đến đầu tháng 11, gói thầu nối hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện là đoạn nối đường Thăng Long - 18E - Cộng Hòa trị giá 120 tỷ đồng cũng được thông xe.
Theo tiến độ, toàn dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ hoàn thành trước 30/4/2025, đồng bộ với dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang được xây dựng.
Trong năm 2024, ngành giao thông TPHCM hoàn thành nhiều công trình quan trọng như: cầu Cây Khô bắc qua rạch Ông Lớn nối huyện Nhà Bè với huyện Bình Chánh thông xe sáng 30/8 sau 6 năm thi công, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng
Ngày 2/10, dự án cầu Năm Lý (731 tỷ đồng) được đưa vào khai thác, xóa nút thắt cổ chai cửa ngõ phía Đông TPHCM sau 8 năm khởi công.
Ngày 28/11, cầu Rạch Đỉa trên đường Lê Văn Lương có kinh phí hơn 500 tỷ đồng cũng về đích, giúp người dân quận 7 và huyện Nhà Bè (TPHCM) di chuyển thuận lợi.
Trong ngày 30/12, cầu Long Phước nối quận 7 với huyện Nhà Bè gần 740 tỷ đồng và công trình nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng cùng thông xe.
>> Metro số 1 liên tục ‘lập đỉnh’, khách đi từ ngày 2/1/2025 phải quét mã QR 
Metro số 1 liên tục ‘lập đỉnh’, khách đi từ ngày 2/1/2025 phải quét mã QR 
'Biển người' trải nghiệm metro số 1 TPHCM trong ngày chủ nhật cuối cùng của năm