4 khu ‘đất vàng’ TP.HCM tính trả cho chủ đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Trước việc chuyển dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng sang phương thức đầu tư công, 4 khu "đất vàng" tại TP.HCM cũng không còn được dùng để thanh toán cho chủ đầu tư.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng  là một trong những dự án đầu tiên tại TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2008. Chủ đầu tư dự án là liên danh giữa Tổng Công ty cổ phần Đền bù Giải toả và Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt Corporation).
Đây là dự án hiếm hoi tại TP.HCM nằm trên khu “đất vàng” 4 mặt tiền đường, gồm đường Võ Văn Tần - Pastuer - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3).
Khu đất xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng hiện vẫn bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Ngoài hàng rào tole dựng bao quanh tứ bề, bên trong khu đất không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào.
Tổng vốn đầu tư ban đầu của nhà thi đấu Phan Đình Phùng chỉ 100 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh, vốn đầu tư tăng lên 988 tỷ đồng. TP.HCM dự kiến sẽ thanh toán cho chủ đầu tư khu đất tại địa chỉ số 257 Trần Hưng Đạo (quận 1).
Khu đất 257 Trần Hưng Đạo có diện tích 2.374m2, tọa lạc mặt tiền ngay giao lộ sầm uất Trần Hưng Đạo - Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang (quận 1). Khu đất này được UBND TP.HCM giao cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao (Sở Văn hoá Thể thao Thành phố) quản lý từ năm 2013. Hiện khu đất được cho thuê để làm 2 phòng tập thể dục thể hình và kinh doanh quán cà phê.
Ngoài khu đất 257 Trần Hưng Đạo (quận 1), UBND TP.HCM dự kiến thanh toán cho chủ đầu tư thêm khu đất tại địa chỉ số 3 - 3bis Phan Văn Đạt (Quận 1). Do đến năm 2013, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng có phương án thiết kế mới và tổng vốn đầu tư tăng lên 1.353 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí thiết bị và dụng cụ thể thao.
Nằm trên tuyến phố có giá đắt đỏ bậc nhất TP.HCM, địa chỉ số 3 - 3bis Phan Văn Đạt, phường Bến Nghé (quận 1) có diện tích 902m2 gồm cơ sở 2 của Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM và toà nhà văn phòng kết hợp trung tâm thể dục thể thao, quán cà phê...
Theo ghi nhận của PV, hiện toà nhà văn phòng kết hợp trung tâm thể dục thể thao, quán cà phê tại số 3bis Phan Văn Đạt vẫn hoạt động bình thường. Văn phòng số 3 Phan Văn Đạt đã dừng hoạt động, nơi đây được sử dụng làm bãi trông, gửi xe.
Chưa dừng lại ở đó, khi UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2016, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tiếp tục đội vốn lên 1.954 tỷ đồng.
Cho rằng hai khu đất tại quận 1 vẫn chưa đủ thanh toán hợp đồng BT cho chủ đầu tư, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm 3ha đất tại Trường đua Phú Thọ, quận 11. Nhưng sau đó UBND TP.HCM đã chỉ đạo tìm kiếm quỹ đất khác thay thế.
Đến tháng 9/2019, UBND TP.HCM và chủ đầu tư dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã ký biên bản hoàn tất đàm phán, ký tắt thoả thuận đầu tư và dự thảo hợp đồng BT.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng có vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, nếu thực hiện theo hợp đồng BT thì TP.HCM sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 4 khu đất. Các khu đất được đưa vào danh mục để thanh toán cho chủ đầu tư gồm: 257 Trần Hưng Đạo (quận 1); 3 - 3bis Phan Văn Đạt (quận 1); 181 Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) và 72/2B Võ Văn Ngân (TP. Thủ Đức).
Khu đất "vàng" tại số 181 Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) từng được cho nhiều đơn vị thuê để làm văn phòng, địa điểm kinh doanh,... nhưng hiện chỉ còn là bãi đất trống, bỏ hoang.
Toàn bộ cấu trúc tường, mái, nội thất bên trong đã bị tháo dỡ từ lâu, chỉ còn lại phần cổng phía mặt tiền nhưng cũng đã mục nát, xuống cấp.
Đất vàng tại chỉ số 72/2B Võ Văn Ngân , nay là đường Tô Vĩnh Diện (TP. Thủ Đức) có diện tích lớn. Nơi đây từng là xưởng sản xuất mì.
Toàn bộ khu nhà xưởng đã hư hỏng, dột nát, hoang hoá sau nhiều năm bỏ không. Phía cổng chính được người dân tận dụng làm khu để đồ và bán hàng.
Như VietNamNet đã thông tin, mới đây, UBND TP.HCM vừa thống nhất dừng đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thể tục thể thao Phan Đình Phùng (số 8 Võ Văn Tần, quận 3) theo hình thức hợp đồng BT, chuyển thành phương thức đầu tư công.
Như vậy, sau gần 8 năm tháo dỡ công trình xuống cấp, dự án xây mới nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã có bước chuyển biến mới về thủ tục pháp lý.
Với việc dừng đầu tư dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng BT và chuyển sang phương thức đầu tư công, đồng nghĩa 4 khu đất nói trên không còn được dùng để hoàn vốn cho chủ đầu tư.
‘Vuột mất’ dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Phát Đạt đã chi bao nhiêu tiền? 
TP. HCM nỗ lực giải quyết 'vấn nạn' ngập lụt bằng dự án 10.000 tỷ đồng 
Cập nhật mới nhất về tuyến Metro 43.700 tỷ sau nhiều lần 'lỡ hẹn' với người dân TP. HCM