Không thể phủ nhận những lợi ích của việc tập thể dục đối với sức khỏe, tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng khi bạn tập luyện đúng cách.
Dù bạn ở độ tuổi nào, vẫn có bằng chứng khoa học cho thấy tập thể dục có thể giúp bạn có một cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc hơn.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, những người hoạt động thể chất thường xuyên có ít nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, chẳng hạn như tim mạch, tiểu đường  loại 2, đột quỵ  và một số bệnh ung thư . Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện tập trung, chất lượng giấc ngủ; giảm căng thẳng hoặc nguy cơ mắc trầm cảm, sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, nếu tập thể dục theo 4 cách sau đây không những không mang lại lợi ích cho sức khỏe mà còn khiến cho quá trình lão hoá của bạn diễn ra nhanh hơn, cơ thể suy kiệt và mắc thêm bệnh tật.
Tập thể dục khi đói
Nhiều người cho rằng, tập thể dục khi đói thì sẽ giúp cơ thể đốt mỡ nhiều hơn, tăng hiệu quả giảm cân. Tuy nhiên, đó là 1 điều ngộ nhận.
Đối với những người thích tập thể dục và giữ gìn sức khỏe thì không nên tập thể dục khi bụng đói. Đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, người già có chức năng tiêu hóa yếu. Tốt nhất, bạn nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa hơn trước khi tập để tránh bị đói và ngất xỉu. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều trước khi tập mà hãy ăn vừa đủ, miễn là bạn không cảm thấy đói ngay sau bữa ăn.
Tập thể dục quá nhiều
Mặc dù thói quen duy trì lịch tập thể dục thường xuyên là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng những ngày nghỉ ngơi là cần thiết, đặc biệt là khi cơ bắp già đi.
Trang WebMD dẫn lời của nhà trị liệu thể thao và phục hồi chức năng Jav Asaro: ''Tập thể dục cường độ cao, kéo dài và thiếu ngủ sẽ giải phóng và làm tăng nồng độ cortisol trong máu. Điều này sẽ có tác dụng ngược lại với phản ứng insulin, từ đó làm tăng lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu cao sẽ khiến suy giảm collagen, giảm sự đàn hồi của cơ xương khớp''.
Hãy cho cơ thể 1-2 ngày nghỉ ngơi hoàn toàn mỗi tuần. Việc kiên trì theo một chế độ tập luyện liên quan đến việc tập luyện quá sức sẽ dẫn đến căng thẳng, sớm "kiệt sức" và rất có thể là giảm tuổi thọ.
Không khởi động trước khi tập thể dục
Việc không thực hiện các động tác khởi động rất có hại cho cơ thể. Sự chuẩn bị tốt sẽ đảm bảo buổi tập diễn ra suôn sẻ hơn và giảm nguy cơ căng cơ hoặc bong gân. Ngoài ra, các bài tập khởi động còn có thể đóng vai trò bảo vệ các khớp và xương của nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Tuy nhiên, trong thực tế luôn có một số người bỏ qua việc khởi động và cho rằng đó chỉ là các động tác thừa. Nhưng họ không biết rằng, nếu không chuẩn bị trước thì rất dễ xảy ra "tai nạn" trong các buổi tập tiếp theo. Vì vậy, nếu ai còn giữ thói quen tập kiểu này thì nên sửa để việc tập luyện có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Lạm dụng thực phẩm bổ sung trước khi tập luyện
Nhiều người đam mê tập thể dục thích kết hợp thực phẩm bổ sung như một phần trong thói quen để có thể tập luyện chăm chỉ hơn và tận dụng tối đa mỗi buổi tập. Một số trường hợp sử dụng thực phẩm bổ sung như năng lượng để bắt đầu chế độ tập luyện.
Tuy nhiên, nhiều chất bổ sung trước khi tập luyện chứa nhiều caffein, có thể dẫn đến các tác dụng phụ tiêu cực như đau đầu, mất ngủ, lo lắng, bồn chồn và tăng nhịp tim. Ngoài ra, trước khi tập luyện, có thể gây khó chịu cho dạ dày, tăng khả năng giữ nước và thậm chí dẫn đến tăng cân.
>> Tập thể dục như thế nào để đảm bảo an toàn khi trời trở lạnh?