4 tỉnh miền Bắc sắp 'cất cánh' lên thành phố trực thuộc Trung ương
Theo quy hoạch hệ thống đô thị thời kỳ 2021-2030, có 8 tỉnh được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP. HCM sẽ là đô thị loại đặc biệt; Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng sẽ là đô thị loại I.
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I). Đặc biệt, 4/8 địa phương được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương đều nằm ở khu vực miền Bắc.
Quy hoạch ban hành Danh mục 42 đô thị loại I, trong đó, Vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 7 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ có 5 đô thị, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 11 đô thị.
Có 50 đô thị loại II, trong đó, Vùng Đồng bằng sông Hồng có 10 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 11 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 11 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ có 8 đô thị, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7 đô thị.
Quảng Ninh
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ với chiều dài đường bờ biển là 255,9km. Theo quy hoạch phát triển kinh tế, Quảng Ninh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vừa thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 12 đơn vị hành chính với tỷ lệ đô thị hóa trên 75%.
Theo định hướng phát triển, trước năm 2030, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình riêng.
Cụ thể, khi lên thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh sẽ không hình thành các quận, thay vào đó địa phương sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố. Các thành phố này sẽ được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông.
Ninh Bình
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá và cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến trước năm 2035, tỉnh sẽ xây dựng nền tảng vững chắc để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời là cực tăng trưởng của các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,2% và GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại theo tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đô thị di sản mang danh hiệu UNESCO trên thế giới.
Qua rà soát, quy hoạch đưa ra phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã trong giai đoạn 2023-2025.
Đối với đơn vị hành chính cấp huyện, huyện Hoa Lư sẽ thuộc diện sắp xếp. Ngoài ra, hai đơn vị hành chính cấp huyện khác là TP. Ninh Bình và huyện Gia Viễn sẽ có điều chỉnh địa giới.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã, 34 đơn vị (29 xã, hai phường, ba thị trấn) sẽ được sắp xếp, trong đó 22 đơn vị thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và 12 đơn vị không sắp xếp do yếu tố đặc thù. Ba đơn vị đạt tiêu chuẩn theo quy định sẽ được khuyến khích sắp xếp, và 11 đơn vị sẽ điều chỉnh địa giới khi thực hiện phương án sắp xếp.
Hải Dương
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt, Hải Dương sẽ là 1 trong 8 tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, 8 tỉnh này bao gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương và Bình Dương. Theo dự kiến, đến năm 2030, các tỉnh này sẽ đạt tiêu chí đô thị loại I.
Hải Dương nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng, đã đạt mức tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò mũi nhọn với mức tăng trưởng 14,31%, đóng góp 7,04 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.
Tính đến nửa đầu năm 2024, Hải Dương xếp thứ 7/63 tỉnh, thành về tăng trưởng kinh tế và đứng thứ 3/11 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đứng thứ 10/63 trên cả nước.
Bắc Ninh
Với diện tích 823km2, Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất cả nước. Tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, công nghiệp.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố (Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong); 2 thị xã (Quế Võ, Thuận Thành); 2 huyện (Lương Tài, Gia Bình). Tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, tỉnh nhỏ nhất cả nước này sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8%-9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 346,6 triệu đồng.
>> Miền Bắc Việt Nam sắp đón thêm một thành phố trực thuộc Trung ương 
Việt Nam sẽ đón thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 vào năm sau 
Lộ diện 8 tỉnh sẽ được 'nâng cấp' lên thành phố trực thuộc Trung ương