Việt Nam sẽ đón thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 vào năm sau
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn cho giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm Thủ đô Hà Nội và TP.HCM (là đô thị loại đặc biệt), cùng với Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng (là đô thị loại I).
Ngoài ra, 8 tỉnh sẽ định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, và Bình Dương.
Như vậy, đến 2030, Việt Nam sẽ có 13 thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế được dự kiến sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm nhất vào năm 2025.
Theo Báo Thừa Thiên Huế, đến năm 2025, thành phố này sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: Quận Phú Xuân, Quận Thuận Hóa (được tách ra từ thành phố Huế hiện nay), thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc (sáp nhập từ huyện Phú Lộc và Nam Đông) và huyện A Lưới.
Định hướng đến năm 2045, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ giữ nguyên 9 đơn vị hành chính này nhưng phát triển thành 4 quận, 2 thành phố, 2 thị xã và 1 huyện. Cụ thể, 4 quận gồm Phú Xuân, Thuận Hóa, Hương Thủy, Hương Trà; 2 thành phố là Phong Điền và Chân Mây; 2 thị xã là Quảng Điền và Phú Vang; và huyện A Lưới.
Thừa Thiên Huế sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm sau
>> Lộ diện 8 tỉnh sẽ được 'nâng cấp' lên thành phố trực thuộc Trung ương 
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ trở thành trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế và đào tạo lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Việc phát triển sẽ được thực hiện trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, đồng thời duy trì bản sắc văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều chỉ tiêu và chỉ số kinh tế quan trọng của tỉnh đã có sự tăng trưởng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 19.599,3 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ, xếp thứ 10/14 tỉnh/thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và thứ 36/63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Quy mô kinh tế (theo giá hiện hành) đạt 37.935,5 tỷ đồng.
Trong cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,95%, chiếm 50,1% GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,22%, chiếm 30,1%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,99%, chiếm 11,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,53%, chiếm 8,6%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6.001,6 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách du lịch đến tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 1.950,2 nghìn lượt, tăng 24,7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 821,3 nghìn lượt, tăng 42,6%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ và đạt 50% so với kế hoạch năm.
Từ đầu năm đến ngày 17/6/2024, tỉnh đã cấp mới 21 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.776,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần về số lượng và tăng 55,8% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, có 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 33,2 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư cho 2 dự án khác với tổng vốn đầu tư 1.881 tỷ đồng.
>> Tỉnh miền Trung dồn lực đầu tư logistics, 'tạo đà' lên TP trực thuộc Trung ương 
Lộ diện 8 tỉnh sẽ được 'nâng cấp' lên thành phố trực thuộc Trung ương 
Tỉnh miền Trung dồn lực đầu tư logistics, 'tạo đà' lên TP trực thuộc Trung ương