6.500 tỷ USD bị ‘xóa sổ’ khỏi thị trường chứng khoán, nền kinh tế số 1 châu Á đã ‘lung lay’?
Hiệu suất kém của thị trường chứng khoán Trung Quốc tương phản rõ rệt với đợt tăng mạnh mẽ của cổ phiếu toàn cầu trong năm nay.
Cơn bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này càng khiến nhiều người lo lắng hơn về sức khỏe của nền kinh tế thứ 2 thế giới, đồng thời gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách, buộc họ phải ngăn chặn vòng xoáy đi xuống.
Chỉ số chuẩn của thị trường Trung Quốc , chỉ số CSI 300 đang tiến gần đến mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 1/2019 - một trong những cột mốc phản ánh mức độ u ám của thị trường.
Với mức giảm khoảng 7% trong năm nay, chỉ số CSI 300 đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm năm thứ tư liên tiếp. Đây là viễn cảnh chưa từng xảy ra trong lịch sử. Đáng chú ý hơn, chỉ số MSCI về cổ phiếu Trung Quốc cũng đang tiếp diễn giai đoạn thành tích kém hơn thị trường cổ phiếu  toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc đang đối diện nhiều vấn đề nan giải. Cuộc khủng hoảng bất động sản đã phần nào khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm. Trong khi nhiều nhà đầu tư thúc giục nhà chức trách đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, thì cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa thực sự mang tới biện pháp đột phá.
"Đây là giai đoạn tồi tệ đáng kinh ngạc đối với thị trường. Vấn đề là nền kinh tế đang ở trong tình trạng tệ hơn tôi nghĩ 6 tháng trước”, Ron Temple, Chiến lược gia trưởng về Thị trường tại Lazard Asset Management, nhận định.
Hiệu suất kém của thị trường chứng khoán Trung Quốc tương phản rõ rệt với đợt tăng mạnh mẽ của cổ phiếu toàn cầu trong năm nay. Điều này phản ánh sự hoài nghi ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Việc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân và những rạn nứt thương mại ngày càng lớn khi Trung Quốc muốn tự cung tự cấp trong công nghiệp là những nguyên nhân cơ bản khiến cổ phiếu của quốc gia này không còn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư.
Tổng cộng, khoảng 6,5 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị thị trường của cổ phiếu Trung Quốc và Hồng Kông kể từ mức đỉnh đạt được vào năm 2021. Con số này gần bằng quy mô toàn bộ thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Mặc dù đã có một số đợt phục hồi trong vài năm qua nhưng hầu hết đều thất bại trong vòng vài tuần khi thực tế kinh tế ảm đạm xảy đến.
Thị trường vốn hy vọng sẽ có một sự phục hồi vào đầu năm nay, khi các chỉ số chuẩn của Trung Quốc tăng từ tháng 2-5/2024. Tuy nhiên viễn cảnh đã nhanh chóng tan biến khi kinh tế vẫn tiếp tục không khởi sắc và lợi nhuận doanh nghiệp không có dấu hiệu phục hồi.
Nhưng thực tế, không phải các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chưa hành động để khắc phục. Chỉ riêng trong năm nay, các quỹ Nhà nước ước tính đã bơm khoảng 66 tỷ USD vào thị trường thông qua việc mua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) để hỗ trợ cổ phiếu.
Các biện pháp khác như thắt chặt quy định đối với giao dịch định lượng và bán khống, khuyến khích các công ty mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức cũng đã được triển khai. Hay vào tháng 2/2024, Trung Quốc đã bất ngờ thay thế người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, những biện pháp này chưa thực sự ấn tượng. Thị trường đang khao khát những động thái mạnh mẽ hơn để hồi sinh nhu cầu tiêu dùng và ổn định thị trường bất động sản.
Rủi ro lớn nhất hiện nay đối với Trung Quốc là đợt bán tháo cổ phiếu có thể tiếp tục làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó dẫn đến sự suy giảm kinh tế sâu hơn nữa.
Nguy cơ giảm phát ngày càng trầm trọng có thể kéo theo việc các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu hoặc trì hoãn việc mua sắm vì họ kỳ vọng giá cả sẽ giảm thêm. Doanh thu của các công ty sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc cắt giảm lương và sa thải nhiều hơn.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần có những bước đi quyết liệt. "Để khôi phục niềm tin vào nền kinh tế, Chính phủ nên ngừng tất cả các hoạt động can thiệp thị trường và để thị trường và người dân làm việc của họ", Nhà kinh tế trưởng của Grow Investment Group Hao Hong nói.
>> Trung Quốc: Nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu, lạm phát tháng 8 không như kỳ vọng