7 loại rau tốt cho sức khỏe nhưng dễ làm trầm trọng thêm bệnh gút
Mặc dù các loại rau chứa purine không có hàm lượng cao như thịt và hải sản, vẫn có thể gây ảnh hưởng đáng kể nếu bạn đã mắc bệnh gút.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng axit uric máu đang gia tăng đáng kể. Axit uric cao có mối liên hệ mật thiết với một chất gọi là purine, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Nếu bạn thường xuyên ăn thực phẩm chứa hàm lượng purine cao, cơ thể rất dễ bị rối loạn quá trình trao đổi chất, dẫn đến tăng axit uric – nguyên nhân chính gây ra bệnh gút .
Mặc dù các loại rau chứa purine không có hàm lượng cao như thịt và hải sản, chúng vẫn có thể gây ảnh hưởng đáng kể nếu bạn đã mắc bệnh gút. Việc tiêu thụ quá nhiều loại rau này có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các cơn đau gút.
Điều này không chỉ cản trở quá trình điều trị mà còn khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người mắc bệnh gút cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các loại rau phù hợp để hỗ trợ hiệu quả điều trị.
Các loại rau có hàm lượng purine cao cần hạn chế đối với người bệnh gút
Măng tây
Măng tây  là một trong những loại rau được các bác sĩ khuyên người mắc bệnh gút nên tạm thời ngừng ăn trong quá trình điều trị. Trong 100 gram măng tây chứa đến 29mg purine, làm tăng quá trình tổng hợp axit uric trong cơ thể.
Mặc dù măng tây giàu chất dinh dưỡng, chống oxy hóa và cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất, nhưng không phù hợp cho người bệnh gút vì có thể gây cản trở quá trình cân bằng và giảm nồng độ axit uric.
Súp lơ trắng
Súp lơ trắng là loại rau có hàm lượng purine cao hơn nhiều so với măng tây, với 51mg purine/100 gram thực phẩm. Lượng đạm trong súp lơ trắng cũng khá cao, khoảng 2 gram đạm/100 gram, khiến loại rau này trở thành thực phẩm cần hạn chế đối với người bệnh gút.
Mặc dù súp lơ trắng chứa nhiều vitamin nhóm B – một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, người bệnh gút có thể thay thế bằng các thực phẩm an toàn hơn như sữa tách béo, sữa ít béo. Đây là nguồn dinh dưỡng không chỉ cung cấp vitamin nhóm B mà còn hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả.
Ớt chuông xanh
Ớt chuông xanh được xếp vào nhóm rau có hàm lượng purine cao, do đó người bệnh gút nên hạn chế tiêu thụ. Trong 100 gram ớt chuông xanh chứa 55mg purine, đây là mức khá cao so với nhiều loại rau khác.
Mặc dù việc ăn 100 gram ớt chuông xanh trong một lần là điều có khó xảy ra, chỉ số này vẫn là lời cảnh báo với người bệnh gút. Nếu cần, bạn có thể thay thế bằng các loại ớt khác và ăn với lượng vừa phải để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Rau muống
Rau muống là loại rau phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam nhờ dễ mua, dễ chế biến và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, với người bệnh gút, rau muống lại nằm trong danh sách cần hạn chế tiêu thụ.
Rau muống chứa 57mg purine/100 gram, cùng lượng protein cao, khoảng 10 gram/100 gram thực phẩm. Hàm lượng dinh dưỡng này có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, gây khó khăn trong việc kiểm soát các triệu chứng gút và có khả năng kích hoạt các cơn đau gút cấp.
Giá đỗ tương
Giá đỗ tương được coi là loại thực phẩm có hàm lượng purine rất cao, lên đến 80mg purine/100 gram thực phẩm. Đây là mức purine cao nhất trong các loại giá, khiến giá đỗ tương trở thành thực phẩm mà người bệnh gút cần tuyệt đối kiêng cữ trong thời gian điều trị.
Việc tiêu thụ giá đỗ tương có thể làm tăng đáng kể lượng axit uric trong máu, gây rủi ro cao cho sức khỏe của người mắc bệnh gút.
Nấm mỡ
Nấm mỡ cũng thuộc nhóm thực phẩm giàu purine, với hàm lượng 59mg purine/100 gram thực phẩm. Các loại nấm nói chung, đặc biệt là nấm mỡ, không được khuyến khích cho người bệnh gút vì có khả năng làm tăng nồng độ axit uric, từ đó làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Nếu sử dụng nấm mỡ liên tục hoặc không kiểm soát, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát các cơn đau gút cấp.
Cải bó xôi
Cải bó xôi là loại rau giàu dinh dưỡng, nổi bật với khả năng tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, loại rau này cũng chứa 57mg purine/100 gram thực phẩm, được xếp vào nhóm rau có hàm lượng purine cao.
Đối với người bệnh gút, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát cơn gút cấp, việc ăn quá nhiều cải bó xôi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả điều trị và làm trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh.
Người mắc bệnh gút cần đặc biệt lưu ý lựa chọn thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày. Các loại rau có hàm lượng purine cao, dù giàu dinh dưỡng, vẫn có thể làm tăng nguy cơ bùng phát cơn đau và ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Thay vào đó, nên ưu tiên những thực phẩm ít purine, an toàn hơn để bảo vệ sức khỏe .
>> Loại cải vừa giàu vitamin K, vừa chứa hợp chất có khả năng ngừa ung thư