75% đội tàu nằm trong danh sách đen, dòng chảy dầu Nga bắt đầu 'ngấm đòn' trừng phạt của Mỹ
Dòng chảy dầu mỏ xuất khẩu của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, còn 2,75 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 19/1, phản ánh tác động rõ rệt từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với ngành thương mại dầu khí nước này.
Trong tuần thứ hai của tháng 1/2025, lượng dầu thô Nga xuất khẩu qua đường biển giảm mạnh nhất kể từ tháng 11. Sự suy giảm này được cho là hệ quả trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào ngành dầu khí Nga, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với ngành thương mại dầu khí nước này. Các biện pháp mới đang định hình lại dòng chảy dầu khí toàn cầu, theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu của Economist Intelligence Unit (EIU).
Cụ thể, khoảng 75% tàu vận chuyển dầu ESPO từ tháng 10/2024 đã bị đưa vào danh sách trừng phạt, cùng với toàn bộ đội tàu phục vụ các dự án Sakhalin 1 và 2. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt  tại một số cảng cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình hình. Tác động lâu dài phụ thuộc vào mức độ thực thi nghiêm ngặt của các biện pháp trừng phạt dưới thời chính quyền mới ở Washington.
Tại Ấn Độ, chính quyền cho phép các tàu chở dầu bị trừng phạt, đặt trước ngày 10/1, tiếp tục giao hàng tại cảng đến ngày 12/3 – thời hạn áp dụng các biện pháp giảm nhẹ của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ nhận định rằng tác động từ lệnh trừng phạt có thể chỉ là tạm thời, khi Moscow nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối phó. Họ cũng kỳ vọng chính quyền kế nhiệm của ông Trump sẽ có lập trường mềm mỏng hơn với Nga.
Trong khi đó, tàu chở dầu đầu tiên bị trừng phạt, Zaliv Baikal, đã cập cảng Xinhaiwan tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc , ngày 19/1 để dỡ khoảng 700.000 thùng dầu Sakhalin Blend, chỉ một ngày sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Dữ liệu theo dõi tàu và báo cáo từ đại lý cảng cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 19/1, Nga đã xuất khẩu 19,26 triệu thùng dầu thô qua 26 tàu, giảm so với mức 21,06 triệu thùng của 27 tàu trong tuần trước.
Lượng dầu thô lưu thông hàng ngày của Nga trong tuần kết thúc ngày 19/1 giảm 260.000 thùng, tương đương 9% so với tuần trước, xuống còn 2,75 triệu thùng/ngày. Sự sụt giảm từ các cảng Biển Đen, Bắc Cực và Thái Bình Dương được bù đắp một phần nhờ lượng hàng tăng từ cảng Primorsk ở Biển Baltic. Tuy nhiên, cảng Ust-Luga ở Baltic vẫn duy trì mức thấp sau cú giảm mạnh cuối tháng 12.
Tại cảng Kozmino (Nga), điểm xuất khẩu chiến lược ở Thái Bình Dương, lưu lượng dầu tăng nhẹ nhưng vẫn bị hạn chế bởi thời tiết khắc nghiệt. Theo dữ liệu từ Visualcrossing.com, gió giật lên tới 30 dặm/giờ đã ảnh hưởng đến việc bốc dỡ hàng trong tuần. Hai cảng Thái Bình Dương khác phục vụ các dự án ngoài khơi đảo Sakhalin cũng ghi nhận lưu lượng giảm, nhưng vẫn nằm trong phạm vi biến động thông thường trong 4 tuần.
Lưu lượng trung bình 4 tuần không đổi ở mức 2,94 triệu thùng/ngày, duy trì mức thấp hơn 10% so với trung bình cả năm 2024. Trong ba tuần đầu năm 2025, lưu lượng dầu xuất xưởng của Nga giảm 340.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
Nga đã thay đổi chiến lược, chuyển từ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sang giảm sản lượng, phù hợp với cam kết của nhóm OPEC+ . Sản lượng mục tiêu hiện tại được ấn định ở mức 8,978 triệu thùng/ngày đến hết tháng 3. Việc nới lỏng các cắt giảm sản lượng đã bị trì hoãn lần thứ ba, và Moscow cam kết cắt giảm sâu hơn từ tháng 3 đến tháng 9 để bù đắp cho lượng dầu bơm vượt hạn ngạch năm trước. Tuy nhiên, lịch trình này có thể thay đổi tùy theo tình hình thực tế.
Dù giá dầu thô của Nga tăng, sự sụt giảm trong khối lượng xuất khẩu khiến tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 69 triệu USD, còn 1,38 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 19/1. Hai chuyến hàng dầu thô KEBCO từ Kazakhstan được bốc dỡ tại Novorossiysk ở Biển Đen cũng góp phần giảm nhẹ tác động.
Giá trị xuất khẩu dầu thô tại các cảng của Nga ghi nhận mức tăng trong tuần tính đến ngày 19/1, theo dữ liệu từ Argus Media. Giá dầu xuất khẩu tại các cảng Baltic tăng 3,40 USD/thùng, Biển Đen tăng 3,90 USD/thùng, và loại dầu ESPO tại Thái Bình Dương tăng 1,50 USD/thùng. Đặc biệt, giá giao tại Ấn Độ tăng mạnh nhất, thêm 4,20 USD/thùng so với tuần trước. Thu nhập trung bình 4 tuần từ xuất khẩu dầu thô của Nga tăng lên 1,39 tỷ USD/tuần, từ mức 1,37 tỷ USD/tuần trước đó.
Trên cơ sở trung bình 4 tuần, giá dầu xuất khẩu tại Baltic tăng 2,20 USD/thùng, Biển Đen tăng 2,10 USD/thùng, và loại ESPO tăng 1,30 USD/thùng. Dù giá tăng, dòng chảy dầu tới các điểm đến, đặc biệt ở châu Á, cho thấy sự suy giảm đáng kể.
Các chuyến hàng dầu thô từ Nga tới các khách hàng châu Á, bao gồm cả các tàu chưa xác định điểm đến cuối cùng, giảm xuống còn 2,57 triệu thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 19/1 – giảm 20% so với đỉnh cao vào tháng 4/2024.
Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của Nga, nhập khẩu trung bình 980.000 thùng/ngày qua đường biển, cùng với 800.000 thùng/ngày qua đường ống, bao gồm dầu vận chuyển qua Kazakhstan. Lượng dầu trên các tàu báo hiệu điểm đến Ấn Độ trung bình đạt 1,33 triệu thùng/ngày, giảm từ 1,41 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Tuy nhiên, số liệu này có khả năng tăng khi các tàu chưa xác định điểm đến cuối cùng cập cảng Ấn Độ.
Khoảng 240.000 thùng/ngày trên các tàu báo hiệu điểm đến Port Said hoặc Suez (Ai Cập) hiện được xác định là "châu Á không xác định," và 730.000 thùng khác đang vận chuyển trên các tàu chưa rõ điểm đến.
Xuất khẩu dầu thô qua đường biển từ Nga sang châu Âu đã dừng hoàn toàn, với dòng chảy tới Bulgaria ngừng vào cuối năm 2023. Nga cũng mất khoảng 500.000 thùng/ngày xuất khẩu qua đường ống tới Ba Lan và Đức từ đầu năm 2023. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường chặng ngắn duy nhất cho dầu thô từ các cảng phía tây Nga, với lưu lượng trong 28 ngày tăng lên 370.000 thùng/ngày – mức cao nhất kể từ tháng 11.
Trong khi đó, các lô hàng dầu KEBCO từ Kazakhstan , được xuất khẩu qua Novorossiysk và Ust-Luga, không chịu lệnh trừng phạt của EU hay giới hạn giá. Để đối phó với tình hình mới, Kazakhstan đã đổi tên dầu của mình để phân biệt với dầu Nga kể từ sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Dữ liệu theo dõi tàu từ các nguồn như Kpler, Vortexa Ltd., và báo cáo của đại lý cảng xác nhận sự thay đổi dòng chảy dầu mỏ của Nga. Sự kết hợp giữa giá tăng và dòng chảy giảm phản ánh tác động rõ rệt từ các lệnh trừng phạt, trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục biến động mạnh.
Theo BNN
Tập đoàn dầu khí và hãng vận tải biển lớn nhất Trung Quốc bị Mỹ cho vào danh sách đen 
Trung Quốc áp lệnh trừng phạt với 13 công ty quân sự Mỹ