9 tháng, đô thị đặc biệt của Việt Nam thu vượt 80.000 tỷ đồng từ 'ngành công nghiệp không khói'
Ngành du lịch đã mang về cho Thủ đô Hà Nội khoản thu khổng lồ.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 9/2024, khách du lịch đến Thủ đô đạt 2,16 triệu lượt, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 510,6 nghìn lượt, khách nội địa khoảng 1,65 triệu lượt.
Như vậy, tính chung 9 tháng, tổng khách du lịch  đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế khoảng 4,45 triệu lượt, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với khoảng 16,66 triệu lượt, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu từ ngành du lịch Hà Nội cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc. Đồng thời, du lịch đang dần chứng minh được vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn.
Hà Nội là Thủ đô và điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được quy định có vị trí, chức năng là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Đô thị đặc biệt  còn có vai trò đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Quy mô dân số đô thị đặc biệt từ 5 triệu người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 3 triệu người trở lên. Với các tiêu chí này, Hà Nội chính là đô thị đặc biệt của Việt Nam. Với vai trò này, Hà Nội luôn chứng tỏ được vị thế đi đầu trong việc phát triển kinh tế, văn hóa.
Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh từ nay đến hết năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sản phẩm mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng thực tế ảo... Đặc biệt, Sở Du lịch cho rằng du lịch MICE đang là xu hướng du lịch có nhiều tiềm năng phát triển. Với các lợi thế về điểm đến nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế, Hà Nội sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các đối tượng khách này.
Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội  cũng sẽ phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình... để liên kết vùng cùng phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, phát triển bền vững.
Cùng với đó, phát triển hệ thống các sân vận động, sân golf, nhà thi đấu, khu thể thao mạo hiểm ngoài trời gắn với việc xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao đặc sắc, hấp dẫn.
Đặc biệt, Sở chú trọng xây dựng, hoàn thiện kết nối các sản phẩm du lịch riêng lẻ thành chuỗi các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Sở cũng xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Từ tháng 10 đến cuối năm 2024, Sở tập trung triển khai sự kiện Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024; xây dựng các chiến dịch quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng số, phù hợp với xu hướng mới của thị trường…