9 vụ tấn công ransomware lớn nhất lịch sử nhân loại

30-03-2024 14:03|Du Lam

Không một ai miễn nhiễm với mã độc tống tiền (ransomware), dù đó là doanh nghiệp tư nhân, tổ chức y tế hay thậm chí một quốc gia.

Khi nhìn lại lịch sử phát triển của mã độc tống tiền, cuộc tấn công ransomware đầu tiên trên thế giới chỉ là "trò trẻ con" so với ngày nay. Đó là vào năm 1989, khi hàng nghìn người tham dự hội nghị AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới (WH) trở về nhà và tìm thấy đĩa mềm trong hộp thư của họ được cho chứa một bảng câu hỏi về khả năng nhiễm HIV. Tuy nhiên, thực tế các đĩa chứa chương trình được thiết kế để mã hóa các tập tin máy tính. Nếu muốn khôi phục, họ phải gửi 189 USD đến một hộp thư bưu điện của Panama.

Sau hơn 30 năm, mã độc tống tiền tinh vi hơn rất nhiều nhờ vào sự phổ biến của Internet, sự chuyển dịch sang thế giới số cũng như sự ra đời của tiền mã hóa. Hệ quả là số lượng nạn nhân, số tiền chuộc và tác động của tấn công mã độc tống tiền đều tăng vọt.

Những thiệt hại mà các công ty phải gánh chịu do các cuộc tấn công ransomware cũng gia tăng. Hãng bảo mật Cybersecurity Ventures dự đoán những nạn nhân của mã độc tống tiền sẽ thiệt hại 265 tỷ USD vào năm 2031. Bên cạnh mất mát tiền bạc, nạn nhân còn phải đối mặt với thời gian ngừng kinh doanh, tổn thất danh tiếng và sụt giảm niềm tin của khách hàng. Ngoài ra, có cả những cá nhân và hệ thống khác gián tiếp bị ảnh hưởng dù không phải mục tiêu của tội phạm.

ramsomware image.jpg
Mã độc tống tiền không "tha" bất cứ ai. Ảnh: Adobe

Dưới đây là 9 cuộc tấn công ransomware có tác động mạnh nhất từ trước đến nay, theo thống kê của trang tin bảo mật TechTarget.

1. Colonial Pipeline

Loại ransomware: DarkSide RaaS
Thủ phạm: DarkSide
Thời gian: 7/5/2021
Thiệt hại: 4.4 triệu USD

Vụ tấn công công ty đường ống lớn nhất nước Mỹ - Colonial Pipeline - là một trong những vụ tấn công ransomware nổi tiếng nhất do tác động của nó đến cuộc sống hàng ngày của người Mỹ. Những người sống ở các bang Đông Nam đột nhiên phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp khí đốt.

Colonial Pipeline, chủ sở hữu hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu từ Texas đến Đông Nam, hứng chịu một cuộc tấn công ransomware vào các hệ thống máy tính quản lý đường ống. Nhóm DarkSide đã truy cập vào hệ thống thông qua thông tin đăng nhập một VPN cũ bị rò rỉ. Dù đã trả 4,4 triệu USD tiền chuộc chỉ vài giờ sau khi bị tấn công, công ty phải vật lộn để khôi phục hoàn toàn hoạt động trong nhiều ngày.

Các quan chức liên bang và tiểu bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đảm bảo nhiên liệu có thể tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng và hạn chế thiệt hại. Cuộc tấn công cũng dẫn đến việc Tổng thống Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp vào ngày 12/5/2021 nhằm cải thiện tình hình an ninh mạng của cả nước.

Gần một tháng sau, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố họ đã tịch thu 2,3 triệu USD trong số 4,4 triệu USD mà Colonial Pipeline trả bằng Bitcoin.

2. Costa Rica

Loại ransomware: Conti
Thủ phạm: Conti
Thời gian: 17/4/2022

Thiệt hại: 30 triệu USD/ngày

Băng đảng ransomware Conti đã phát động một cuộc tấn công kéo dài hàng tháng chống lại các tổ chức chính phủ của Costa Rica. Bộ Tài chính Costa Rica là nạn nhân đầu tiên sau khi thủ phạm dùng thông tin đăng nhập bị rò rỉ để cài đặt phần mềm độc hại trên hệ thống. Sau đó, Bộ Khoa học, Đổi mới, Công nghệ và Viễn thông, cùng Bộ Lao động và An sinh xã hội cũng chung số phận.

Chính phủ Costa Rica buộc phải đóng cửa nhiều hệ thống, dẫn đến các khoản thanh toán của chính phủ bị trì hoãn, giao thương đình trệ và các dịch vụ bị hạn chế.

Trong tuần đầu tiên, cựu Tổng thống Carlos Alvarado đã từ chối trả khoản tiền chuộc 10 triệu USD. Băng đảng Conti đã rò rỉ gần như tất cả 672 GB dữ liệu đánh cắp trong các cuộc tấn công. Phải mất nhiều tháng để các hệ thống được khôi phục.

3. Impresa

Loại ransomware: Lapsus$
Thủ phạm: Lapsus$

Thời gian: 1/1/2022

Tổn thất: Không được báo cáo

Nhóm tin tặc Lapsus$ đã phát động một trong những cuộc tấn công ransomware khét tiếng nhất thế giới nhằm vào Impresa, tập đoàn truyền thông lớn nhất Bồ Đào Nha. Cuộc tấn công đã đánh sập tất cả các trang web, báo tuần và các kênh truyền hình của tập đoàn. Những kẻ tấn công cũng giành quyền kiểm soát tài khoản Twitter và tuyên bố có quyền truy cập tài khoản AWS của công ty. Theo truyền thông, Impresa xác nhận bị tấn công nhưng cho biết không có yêu cầu tiền chuộc nào được đưa ra.

Lapsus$, trước đó đã tấn công Bộ Y tế Brazil vào cuối năm 2021, đăng một tin nhắn đòi tiền chuộc đe dọa tiết lộ dữ liệu của công ty. Chính quyền Bồ Đào Nha đây là cuộc tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử nước này.

4. JBS USA

Loại ransomware: REvil RaaS

Thủ phạm: Revil

Thời gian: 30/5/2021

Tổn thất: 11 triệu USD

Nhà sản xuất thịt bò JBS USA đã trả 11 triệu USD tiền chuộc bằng Bitcoin sau khi phải ngừng hoạt động do bị tấn công. Ban đầu, đội ngũ công nghệ phát hiện vấn đề với một số máy chủ và ngay sau đó, công ty nhận được tin nhắn yêu cầu tiền chuộc. Các hoạt động đã được khôi phục trong vòng vài ngày nhưng chỉ sau khi JBS thực hiện khoản thanh toán khổng lồ.

5. Kronos

Loại ransomware: Không được báo cáo
Thủ phạm: Không được báo cáo
Ngày: 11/12/2021

Tổn thất: Ngoài khoản thanh toán tiền chuộc được báo cáo, vào năm 2023, Kronos đã trả 6 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể từ các khách hàng, những người cáo buộc công ty không làm đủ để bảo vệ hệ thống của mình.

Nhà sản xuất phần mềm quản lý nhân sự Ultimate Kronos đang kinh doanh tại hơn 100 quốc gia đã bị tấn công đòi tiền chuộc vào cuối năm 2021. Vụ việc ảnh hưởng đến khách hàng trên toàn cầu, tạo ra hiệu ứng gợn sóng kéo dài nhiều năm và phơi bày một vụ xâm phạm trước đó.

Kronos phát hiện ra ransomware vào ngày 11/12/2021, nhưng rồi xác định những kẻ tấn công trước đó đã xâm phạm đám mây của công ty và đánh cắp dữ liệu. Cuộc tấn công làm lộ dữ liệu nhân viên của nhiều khách hàng doanh nghiệp. Kết quả là việc trả lương cho nhân viên của những khách hàng này bị gián đoạn, chậm trễ và sai sót.

Cuộc tấn công Kronos đặt ra câu hỏi về trách nhiệm giải trình của nhà cung cấp và nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý rủi ro của bên thứ ba vì các tổ chức nhận ra rằng các cuộc tấn công vào các đối tác kinh doanh của họ cũng có thể ảnh hưởng đến mình.

6. Maersk

Loại ransomware: NotPetya
Thủ phạm: Chưa rõ
Ngày: 27/6/2017

Thiệt hại: Khoảng 300 triệu USD

Gã khổng lồ vận tải biển A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch đã chịu thiệt hại khoảng 300 triệu USD sau khi bị tấn công bằng mã độc tống tiền NotPetya. Phần mềm độc hại khai thác lỗ hổng EternalBlue Windows và lây lan qua một cửa hậu trong phần mềm tài chính MeDoc khiến Maersk không thể truy cập hệ thống vận hành các cảng vận chuyển trên toàn thế giới.

Là phần mềm xóa dữ liệu, NotPetya được thiết kế để gây thiệt hại tối đa khi không chỉ mã hóa tất cả các tệp trên máy tính bị nhiễm mà còn xóa hoàn toàn hoặc viết lại chúng để chúng không thể được phục hồi - ngay cả thông qua giải mã. Maersk mất hai tuần để khôi phục hoạt động máy tính.

7. Swissport

Loại ransomware: BlackCat RaaS
Thủ phạm: BlackCat
Thời gian: 3/2/2022

Tổn thất: Gián đoạn dịch vụ hàng không; Không có dữ liệu tài chính nào được báo cáo

Tháng 2/2022, Swissport, một công ty Thụy Sĩ cung cấp dịch vụ mặt đất và xử lý hàng hóa tại sân bay, thông báo hệ thống của họ bị tấn công bằng ransomware. Tác động của sự cố không lớn, chỉ trì hoãn một số lượng nhỏ các chuyến bay trước khi Swissport khôi phục hệ thống.

Công ty cho biết họ xử lý vụ việc trong vòng 24 giờ.Tuy nhiên, nhóm tin tặc BlackCat tiết lộ chúng không chỉ mã hóa các tệp tin mà còn đánh cắp 1,6 TB dữ liệu Swissport để rao bán.

8. Travelex

Loại ransomware: REvil RaaS
Thủ phạm: REvil
Thời gian: 31/12/2019

Thiệt hại: 2,3 triệu USD

Vào thời điểm bị REvil tấn công, Travelex là công ty giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới. Những kẻ tấn công nhằm vào lỗ hổng trong các máy chủ Pulse Secure VPN để xâm nhập vào hệ thống của công ty và mã hóa 5 GB dữ liệu. Chúng yêu cầu 6 triệu USD tiền chuộc nhưng được thương lượng xuống còn 2,3 triệu USD.

Cuộc tấn công đã đánh sập hệ thống nội bộ của công ty trong gần hai tuần. Thiệt hại tài chính nghiêm trọng kết hợp với ngành du lịch bị đóng băng trong dịch Covid-19 cuối cùng khiến Travelex phải tiến hành tái cấu trúc và sa thải hàng nghìn nhân viên.

9. Dịch vụ Y tế quốc gia Vương quốc Anh

Loại ransomware: WannaCry
Thủ phạm: Chưa rõ

Thời gian: Có thể 2017
Thiệt hại: 100 triệu USD

Các công ty trên khắp thế giới bắt đầu cảm nhận được tác động của cuộc tấn công ransomware WannaCry vào mùa xuân năm 2017. WannaCry là mã độc tống tiền đầu tiên khai thác lỗ hổng EternalBlue trong các hệ thống Windows.

Dịch vụ Y tế quốc gia của Vương quốc Anh (NHS) là một trong những nạn nhân WannaCry nổi bật nhất, với nhiều bệnh viện, bác sĩ và nhà thuốc bị ảnh hưởng ở Anh và Scotland. Các cơ sở NHS buộc phải tạm dừng và chuyển hướng các dịch vụ y tế. Không có trường hợp tử vong nào liên quan trực tiếp đến vụ tấn công.

(Tổng hợp)

6 tháng đầu năm, có 56 tổ chức bị tấn công bằng mã độc tống tiền Ransomware

Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị tấn công mã độc tống tiền nhiều nhất thế giới

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/9-vu-tan-cong-ransomware-lon-nhat-lich-su-nhan-loai-2265046.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    9 vụ tấn công ransomware lớn nhất lịch sử nhân loại
    POWERED BY ONECMS & INTECH