ACV: Hơn 8.200 tỷ đồng nợ xấu 'che mờ' động lực tăng trưởng, khoản nợ lớn của Bamboo Airways không thể thu hồi?
Chứng khoán Rồng Việt đánh giá khoản nợ xấu của Bamboo Airways trị giá 2.265 tỷ đồng, ACV không có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp có thể chịu thêm khoản lỗ tỷ giá 711 tỷ đồng trong quý III/2024.
Áp lực nợ xấu, tỷ giá bủa vây ACV
Tại thời điểm ngày 30/6, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV ) có khoản nợ xấu 8.256 tỷ đồng do chưa thu được tiền từ các hãng hàng không, tăng 2.564 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 3.894 tỷ đồng (chiếm 47%).
Duy nhất khoản trích lập dự phòng nợ xấu tại VietJet có xu hướng giảm, thậm chí về 0 đồng. Còn lại, trích lập dự phòng nợ xấu tại các hãng hàng không khác đều tăng: Vietnam Airlines (+243 tỷ đồng), Bamboo Airways (+166 tỷ đồng), Pacific Airlines (+41 tỷ đồng), Vietravel Airlines (+80 tỷ đồng).
Các khoản nợ xấu tại ACV |
Đáng chú ý, khoản nợ xấu của Bamboo Airways lên đến 2.265 tỷ đồng, đã được trích lập 100%. Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá khoản này không có khả năng thu hồi. Lý do, Bamboo Airways đang trong giai đoạn khó khăn về tài chính khi dự kiến sẽ tiếp tục lỗ trong năm 2024 và sẽ mất nhiều thời gian để có thể tái cơ cấu đội bay/tuyến bay nhằm đưa kết quả kinh doanh về điểm hòa vốn.
Đối với khoản nợ xấu 3.045 tỷ đồng của Vietnam Airlines, đã trích lập 385 tỷ đồng, VDSC đánh giá có thể thu hồi trong tương lai, bởi doanh nghiệp đã có lãi trở lại và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tương đối dồi dào.
Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp sẽ lỗ hàng trăm tỷ đồng vì tỷ giá? Trong quý III/2024, BoJ đã tăng lãi suất điều hành từ 0,1% lên 0,25%, làm cho đồng Yên (JPY) tăng giá khoảng 11% so với thời điểm tháng 7/2024. ACV đang có nợ vay dài hạn là 63,5 tỷ Yên từ nguồn vốn ODA, do đó, xu hướng tăng giá của đồng Yên có thể gây ra tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm 2024.
Tỷ giá hạch toán JPY/VND của Bộ Tài chính tháng 9/2024 là 164, tăng khoảng 6% so với tỷ giá công bố tháng 6/2024. VDSC ước tính, ACV sẽ ghi nhận lỗ tỷ giá khoảng 600 tỷ đồng trong quý III/2024. Cho cả năm 2024, lỗ ròng từ tỷ giá khoảng 711 tỷ đồng, tương ứng với đồng JPY tăng giá khoảng 7% so với đầu năm.
Khách quốc tế là "bệ phóng" tăng trưởng cho ACV
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, lưu lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 11,4 triệu lượt, tăng 46% so với cùng kỳ. Trong đó, Hàn Quốc và Trung Quốc duy trì vị trí dẫn đầu trong cơ cấu du khách đến Việt Nam, lần lượt đạt 3 triệu lượt và 2,4 triệu lượt, tăng 32% và 158% so với cùng kỳ.
Nguồn: Tổng cục Thống kê, VDSC |
VDSC dự báo, về dài hạn, Việt Nam sẽ ngày càng có sức hút đối với du khách quốc tế, dựa trên kỳ vọng rằng ngành du lịch nâng cao được năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Qua đó, số lượng hành khách/chuyến bay sẽ cải thiện dần và đạt 184 vào những năm cuối của giai đoạn dự phóng, tiệm cận mức hiện tại của các quốc gia trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, điều này sẽ hỗ trợ cho Việt Nam kết nối thêm với các quốc gia khác trên thế giới, tăng tần suất của các chuyến bay quốc tế. Gia tăng lưu lượng khách quốc tế là động lực tăng trưởng chính cho ACV khi chênh lệch giá dịch vụ quốc tế đang cao hơn đáng kể so với nội địa.
Trong giai đoạn 2025 – 2027, ACV dành khoảng 126.000 tỷ đồng cho 3 dự án trọng điểm là Sân bay Long Thành, Mở rộng nhà ga T2 – Nội Bài và Nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất. Qua đó, công suất khai thác khi hoàn thành 3 dự án sẽ được tăng thêm 48 triệu lượt/năm, lên hơn 150 triệu lượt/năm, giảm tình trạng quá tải ở các sân bay trọng điểm của ACV.
>> Vì sao Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) từ nhiệm?