Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ, doanh nghiệp Việt có hưởng lợi?
Việc Ấn Độ áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ khiến giá loại gạo này tăng cao hơn nữa trên thị trường thế giới.
Mới đây, Bộ Tài chính Ấn Độ đã thông báo áp mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước.
Đây là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác.
Theo thông báo trên, mức thuế mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 16/10/2023.
Với biện pháp mới này, Ấn Độ hiện đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo không phải là basmati, chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này.
Việc áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ đẩy giá loại gạo này lên cao hơn nữa trên thị trường thế giới.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, vì biện pháp này sẽ tác động đến lạm phát toàn cầu và làm gia tăng tình trạng bấp bênh về giá lương thực trên thế giới.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đồ Việt Nam hay gạo khác thì giá lúa gạo Việt Nam cũng sẽ không thay đổi so với hiện tại.
Mặt khác, những diễn biến lúa gạo ở thị trường Việt Nam đang làm các doanh nghiệp xuất khẩu không bán được gạo, không giao dịch được vì giá lúa nông dân bán quá cao.
Nếu Ấn Độ có cấm thêm thì giá lúa tại Việt Nam cũng đã quá cao so với giá mà người tiêu dùng thế giới chấp nhận được, trừ người mua cho những đơn hàng dở dang. Đơn hàng lớn, mới thì đang đàm phán để giãn thời gian vụ đông xuân năm tới giao.
Việt Nam hầu như không có gạo đồ, trước đây thì có, sau thua lỗ nên doanh nghiệp đã "dẹp" kinh doanh. Vậy nên thị trường lúa gạo Việt sẽ ít bị ảnh hưởng.
Trước đó, ngày 20/7, Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo đã khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt thêm 100 USD/tấn.
Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 638 USD/tấn và Thái Lan là 628 USD/tấn. Kể từ năm 2008, giá gạo thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, đã tăng khoảng 20%.
Lệnh cấm của Ấn Độ khiến thị trường thế giới thiếu hụt khoảng 7 - 8 triệu tấn gạo, trong khi Thái Lan và Việt Nam chỉ có thể bổ sung nguồn cung thêm tối đa 2 triệu tấn.
Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore 
Giá gạo liên tục biến động, cơ hội nào cho xuất khẩu những tháng cuối năm?