Anh hùng duy nhất Việt Nam được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quyết định lấy tên đặt tên đường ngay khi còn sống

09-04-2024 07:00|Thùy Dung

Với tinh thần quả cảm trong chiến đấu, ông được phong Anh hùng lực lượng vũ trang.

“Chặt tay để tiếp tục chiến đấu - Có là gì đâu!”

Đại tá La Văn Cầu sinh năm 1932 tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Khi ông 3 tuổi, bố ông bị thực dân Pháp bắt đi làm phu xây dựng. Mẹ ông kể, khi đi, bố ông vẫn là người đàn ông cao to, khỏe mạnh. Tuy nhiên, 3 tháng sau khi đi phu về, bố ông chỉ còn da bọc xương và mất vì bệnh tật ngay sau đó.

Tham gia nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi, Đại tá La Văn Cầu nói, mục tiêu duy nhất của ông khi đó là để “trả thù nhà, đền nợ nước”. Bởi ông là một trong những nạn nhân chịu rất nhiều mất mát, đau khổ dưới ách đô hộ, phong kiến của thực dân Pháp.

Kể lại trận đánh đồn Đông Khê lịch sử, ông cho hay, trước trận đánh đó, đích thân Bác Hồ đã gửi thư nói đây là trận đánh quan trọng, phải đánh cho kỳ thắng, không được thua. Vì trận này mà thắng mới có thể tiến hành mở màn cho chiến dịch biên giới được. Vì vậy, tất cả mọi người đều bước vào trận chiến với tâm thế “chỉ được thắng, không được thua”.

Đại tá La Văn Cầu lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi

(TyGiaMoi.com) - Đại tá La Văn Cầu lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi

66 năm đã trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in thời khắc chiến đấu anh hùng ấy.

“Ngày 16/9/1950, chúng tôi bước vào trận chiến đánh đồn Đông Khê. Tổ bộc phá của chúng tôi gồm 5 người do tôi làm tổ trưởng là đơn vị bộc phá đầu tiên. Khi cả tổ đang hăng hái xông lên, phía bên kia địch không ngừng nã đạn. Tiến lên được một quãng, hai anh trong tổ trúng đạn bị thương nặng, không thể chiến đấu được. Ba người còn lại hăng hái xông lên. Cách lô cốt địch khoảng 15 thước, hai đồng đội bị địch bắn trúng và hy sinh. Rồi trước làn mưa đạn của địch, tôi cũng bị bắn trúng cánh tay và má phải, ngất đi trong mấy phút.

Tôi tưởng đã chết, nhưng khi tỉnh lại thì thấy một bên mình đã tê đi, sờ đến cánh tay phải thì lủng lẳng. Tôi quay xuống, nửa đường thì gặp anh tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích đang tiến lên nên tôi bảo anh chặt hộ cánh tay cho tôi. Anh ngạc nhiên và bảo tôi quay xuống cho y tá băng bó nhưng tôi nhất định yêu cầu anh chặt tay cho tôi để tôi làm xong nhiệm vụ. Anh tiểu đội trưởng hiểu rồi lấy mác chặt cái tay bị thương đã gãy, sau đó xé áo băng vết thương lại”.

Thế rồi, ông tiếp tục chạy theo con đường cũ. Bằng mọi nỗ lực còn lại, ông đút được quả bộc phá nặng 12kg vào lỗ châu mai rồi giật nụ xòe, chạy ra xa lô cốt độ mươi mười lăm thước. Quả bộc phá nổ rất to khiến ông bị sức ép lớn ngất đi. Vài phút sau, mở mắt ra, ông thấy lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa. Lúc đó, ông thấy mãn nguyện, nghĩ bụng đã trả thù được cho đồng đội.

“Khi đi chiến đấu, có ai nghĩ mình sẽ trở thành anh hùng đâu, vậy nên trong thời khắc chiến đấu vì Tổ quốc, việc phải quyết định chặt đi tay phải, tôi cũng coi “có là gì đâu”, ông bồi hồi nhớ lại.

Được lấy tên để đặt tên đường ngay cả khi còn sống

Vào thời điểm công tác tại Tổng cục Chính trị, Đại tá La Văn Cầu nhớ lại trong một buổi sáng đi bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã hỏi ông về việc UBND TP Hà Nội có ý kiến đề nghị với Tổng cục Chính trị lấy tên Anh hùng lực lượng vũ trang La Văn Cầu đặt tên cho một con đường hoặc một ngôi trường ở Thủ đô.

Khi ấy, ông cũng có nhiều băn khoăn. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, ông mạnh dạn trả lời: “Báo cáo anh, trước hết qua Tổng cục Chính trị cho em gửi lời cảm ơn nhân dân Thủ đô Hà Nội đã muốn chọn tên em đặt cho con đường, ngôi trường. Nhưng em nghĩ nên lấy tên của những đồng chí đã khuất thì hay hơn. Em còn sống và em cảm thấy mình chưa xứng đáng với tấm lòng đó của bà con. Hơn nữa, nếu có điều gì không phải với bà con thì em rất áy náy”.

Chân dung vị anh hùng duy nhất được đặt tên đường khi còn sống

(TyGiaMoi.com) - Chân dung vị anh hùng duy nhất được đặt tên đường khi còn sống

Tuy nhiên, sau đó không lâu, tên của ông vẫn được đặt cho một con đường ở Hà Nội theo sự quyết định của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Khi biết tin, Anh hùng La Văn Cầu chỉ nói: “Nói thực ra cũng có vinh dự đấy, nhưng lập trường kiên định của tôi thì vẫn không thay đổi. Tôi cho rằng không nên lấy tên tôi đặt tên đường, vì tôi thấy mình chưa xứng đáng.

Hiện nay, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và TP Nam Định, tỉnh Nam Định vẫn đang có những con đường mang tên La Văn Cầu.

>> Phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay địch nhất trong lịch sử, được Bác Hồ khen ngợi

Mối tình vượt hai thế kỷ được gửi gắm qua hơn 400 lá thư của vị tướng kiệt xuất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam

Vị tướng 'Hai Mạnh' của QĐND Việt Nam, vừa có tài thao lược trên chiến trường, vừa là nhà chính trị sắc sảo, được phong quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/anh-hung-duy-nhat-viet-nam-duoc-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-quyet-dinh-lay-ten-dat-ten-duong-ngay-khi-con-song-d119851.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Anh hùng duy nhất Việt Nam được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quyết định lấy tên đặt tên đường ngay khi còn sống
    POWERED BY ONECMS & INTECH