Ông là người dân tộc Pa Kô được ghi vào "Guinness lịch sử" gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường.
Tham gia cách mạng khi chỉ mới 11 tuổi
Ông Hồ A Nun sinh năm 1944, trong một gia đình có năm anh chị em người dân tộc Pa Kô. Ông Nun là em trai ruột của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Kan Lịch và là cháu của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai (đều cùng trú tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ngay từ nhỏ, cậu bé Hồ A Nun phải chứng kiến máy bay Mỹ liên tục dội bom xuống đồi A Bia gần nhà. Nhà cửa, rừng núi bị cày xới, khắp nơi chi chít dấu tích bom đạn. Được biết, huyện miền núi A Lưới là điểm đầu nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, là hành lang trọng yếu di chuyển quân, vũ khí, khí tài và đạn dược vào Nam. Để cắt đứt tuyến đường này, Mỹ  cho máy bay ngày đêm ném bom, âm mưu quét sạch dân và quân giải phóng khỏi A Lưới, đẩy hết sang Lào.
Cũng chính vì lẽ đó, mới 11 tuổi cậu bé Hồ A Nun đã theo chú là Hồ Đức Vai làm liên lạc cho quân giải phóng ở khu vực xã Thượng Ninh. "Thấy chú tham gia du kích , A Nun xin theo dù biết có thể mất mạng. A Nun thông thuộc địa hình, lại nhanh nhẹn nên được giao các công văn quan trọng. Chỉ khi nhiệm vụ hoàn thành, cậu ấy mới dám nghỉ ngơi", bà Hồ Kan Lịch, 80 tuổi nhớ về em trai.
Ba năm sau, khi Đoàn 559 thành lập để vận chuyển đạn dược, hàng hóa vào Nam, ông tình nguyện tham gia vận chuyển hàng ở tuyến đường Trường Sơn  đi qua huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo tư liệu của Đoàn 559, mùa khô 1960-1961, Hồ A Nun đã cùng với Đoàn vận chuyển 30 tấn vũ khí, bảo đảm lương thực cho gần 2.000 cán bộ vào chiến trường.
Tháng 7/1961, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng từ tuyến đường Quảng Trị vào Quảng Nam, ông xung phong ở lại tuyến vận tải Khu 5 tiếp tục tham gia gùi, thồ hàng vào chiến trường.
"Guinness lịch sử" gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường
Một thời gian sau, Bộ Chính trị quyết định mở rộng hành lang vận chuyển Bắc Nam để nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế vũ khí từ miền Bắc vào Nam, ông được biên chế vào Trung đoàn 220 của Hậu cần Quân khu 5, nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ Quảng Trị vào Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Khu vực nơi ông đóng quân là vùng rừng sâu, đường đi lại hiểm trở, bộ đội thường bị sốt rét hành hạ. Để gùi được súng, đạn dược vào chiến trường, Trung đoàn 220 phải băng rừng, đi liên tục trong nhiều ngày. Mặc cho bao nhiêu gian nan, ông Hồ A Nun luôn xung phong dẫn đầu đoàn.
"Có những chuyến hàng, trên vai mỗi người mang hơn 100kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể, địa hình rừng núi khó đi, A Nun lại động viên anh em cố gắng, không bỏ cuộc bởi đồng đội đang chờ đạn dược để chiến đấu", ông Hồ Vơi, 90 tuổi ở xã Hồng Bắc, cùng thoát ly với Hồ A Nun, kể lại.
Có thời điểm, Hồ A Nun gùi được 192kg, trong khi anh em nhiều nhất chỉ 170kg khi đơn vị đột xuất phát động anh em gùi hàng nhiều nhất có thể bởi chiến trường đang cần gấp. "So với thanh niên Pa Kô thời đó, Hồ A Nun to cao và rất khỏe, lúc nào cũng cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng, tin tưởng vào thắng lợi ngày mai", ông Hồ Vơi lý giải.
Ông cũng được xem là người lập kỷ lục về gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo thống kê, từ năm 1961 đến 1969, Hồ A Nun đã gùi 179 tấn vũ khí, lương thực, đạn dược (tương đương một đoàn xe chiến lược), có lúc gùi 192kg với quãng đường 30km. Với những kỳ tích và chiến công đó, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 12/1969.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hồ A Nun trở về sinh sống tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới. Về hưu, ông lại làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của xã Hồng Bắc. Ông qua đời ngày 13/9/2023 tại nhà riêng ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 79 tuổi.
Cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, ông đã có nhiều công lao đóng góp để xây dựng vùng đất quê hương A Lưới khởi sắc như ngày hôm nay, đồng thời là biểu tượng về sự bền bỉ, một tấm gương sáng cho thế hệ sau.