Vĩ mô

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, xem xét chuyển hình thức ưu đãi đầu tư

Thảo Nguyên 07/07/2024 - 16:06

Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 nhưng đến nay vẫn chưa rõ hệ thống các ưu đãi phù hợp để giữ và thu hút thêm nhà đầu tư FDI.

Cơ quan thuế đang khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thực thi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, dự kiến tháng 7/2024 sẽ có dự thảo lấy ý kiến rộng rãi; tháng 10/2024 có thể ban hành Nghị định hướng dẫn thu thuế bổ sung theo Nghị quyết 107/2023/QH15.

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam

Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Việc nộp thuế tối thiểu toàn cầu là điều không thể tránh khỏi vì nếu không nộp ở nước sở tại thì sẽ phải nộp ở nước mẹ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, có hiệu lực từ 1/1/2024. Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khẳng định, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng và họ có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam mà được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nếu Việt Nam áp dụng quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng.

“Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như: tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận....”- ông Minh khẳng định

Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.

Tuy nhiên việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, vốn có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

Đột phá cải cách, tạo thêm quỹ hỗ trợ đầu tư

Số liệu của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, đến giữa năm 2023 cả nước có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%.

Điển hình là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đạt khoảng 131,3 tỷ USD. Và với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu, những "ông lớn" FDI này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

“Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu các ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại trước đó sẽ không còn tác dụng nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung, đến mục tiêu thu hút vốn FDI”- nhóm chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhận định. Do đó, NEU đề xuất các cơ quan sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ chủ yếu ưu đãi thuế sang ưu đãi khác.

Nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

“Với nguồn thu tăng thêm, Việt Nam cần có kế hoạch sử dụng một cách hiệu quả nhất. Quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư" - Nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý.

Các chuyên gia gợi ý việc hỗ trợ thêm doanh nghiệp bằng biện pháp tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Có thể kể đến như: chi đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, tăng mức trích khấu hao tài sản cố định góp phần thu hồi nhanh vốn đầu tư; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ; chi bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bao gồm nghiên cứu và ứng dụng.

Nên nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Đồng thời, thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu này một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. (Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc)

Khuyến nghị một số vấn đề khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, nhằm tiếp tục giữ môi trường đầu tư hấp dẫn, giúp giữ chân nhà đầu tư lớn, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: để giữ được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần xem xét chuyển từ các hình thức ưu đãi đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp sang ưu đãi hỗ trợ chi phí, trong đó có các hình thức như: Khấu hao nhanh, hỗ trợ bằng tiền theo một tỷ lệ nhất định cho hoạt động R&D, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực...

Việc ban hành chính sách, cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia.

Ngoài ra, thay đổi chính sách khuyến khích FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính, đào tạo lao động có kỹ năng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vệ tinh... vốn là các yếu tố cơ bản khi các tập đoàn đưa ra các quyết định đầu tư thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.

Cuối cùng, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh, Việt Nam cần chủ động đề xuất các nước ASEAN đề ra giải pháp chung cho cộng đồng ASEAN trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tạo đồng thuận về những tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh thu hút FDI không lành mạnh giữa các nước thành viên.

Bộ Tài chính dự kiến, sau khi lấy ý kiến và tiếp thu thẩm định để chỉnh lý, sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành vào tháng 10/2024.

>> Kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 đạt 40 tỷ USD

Sức hút FDI của tỉnh lớn nhất Việt Nam: Các 'ông lớn' công nghệ liên tục 'đổ bộ'

Kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 đạt 40 tỷ USD

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-xem-xet-chuyen-hinh-thuc-uu-dai-dau-tu.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, xem xét chuyển hình thức ưu đãi đầu tư
    POWERED BY ONECMS & INTECH