Apax Leaders của Shark Thủy đứng đầu danh sách nợ bảo hiểm tại Hà Nội với gần 60 tỷ đồng
Tình trạng chậm hoàn thành nghĩa vụ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã diễn ra trong hệ sinh thái Egroup từ cuối năm 2019.
Theo văn bản từ Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (Apax Leaders ) hiện đang chậm đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền lên tới gần 60 tỷ đồng. Thời gian chậm đóng kéo dài 56 tháng. Đây cũng là số tiền nợ lớn nhất trong danh sách gần 31.500 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chậm nộp các loại bảo hiểm từ một tháng trở lên.
Đứng sau Apax Leaders trong danh sách là Công ty Cổ phần LILAMA 3 với số tiền chậm đóng 46 tỷ đồng, kéo dài trong 116 tháng (gần 10 năm). Tiếp đến là Công ty Cổ phần Cầu 12 với số tiền nợ hơn 30 tỷ đồng, chậm đóng trong 89 tháng.
Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax chậm đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, với tổng số tiền lên tới gần 60 tỷ đồng |
Tình trạng chậm hoàn thành nghĩa vụ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã diễn ra trong hệ sinh thái Egroup từ cuối năm 2019. Điều này dẫn đến làn sóng nghỉ việc hàng loạt nhân viên và chất lượng giảng dạy của hệ thống cũng liên tục giảm sút. Nhiều phụ huynh đã có ý kiến, yêu cầu bồi hoàn học phí.
Apax Leaders là thành viên của Tập đoàn Egroup do ông Nguyễn Ngọc Thủy (thường được gọi là Shark Thủy) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Vào cuối tháng 3/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2015-2023, ông Thủy cùng các đồng phạm đã sử dụng pháp nhân Công ty Egame để thực hiện các hành vi gian dối, bao gồm việc sử dụng cổ phần không có thật của Tập đoàn Egroup để huy động vốn. Các hình thức huy động bao gồm: Bán cổ phần nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, bán cổ phần thanh toán bằng bất động sản, cũng như vay tiền của nhà đầu tư với đảm bảo bằng cổ phần sở hữu.
Trước khi bị bắt, ông Thủy đã ủy quyền toàn bộ quyền điều hành, quyền sở hữu cổ phần và quyền cổ đông tại Egroup cho em gái ruột là bà Nguyễn Thị Dung. Hiện bà Dung đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng quản trị Egame và là một trong những lãnh đạo của Egroup.
>>Shark Thủy bị bắt: Câu hỏi phải hỏi trước khi xuống tiền 
Vụ Shark Thủy: Bộ Công An tìm người bị hại trong vụ lừa đảo tại Egroup 
Nhà đầu tư mới tham gia vào hệ thống STEAMe GARTEN sau khi Shark Thủy bị bắt là ai?