Apple đối mặt với trở ngại trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam và Ấn Độ
Nikkei cho biết quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng của Apple và nhiều công ty công nghệ Mỹ sang Việt Nam, Ấn Độ đang gặp nhiều trở ngại do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc đã gia tăng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất khẩu của Apple và các công ty công nghệ Mỹ, làm chậm tiến độ mở rộng sản xuất sang Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo Nikkei, các lô hàng thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất gửi đến Việt Nam và Ấn Độ đã bị trì hoãn từ vài ngày đến vài tuần, do quy định kiểm soát xuất khẩu  công nghệ lưỡng dụng mà Bắc Kinh ban hành từ tháng 12.
Một nhà máy Foxconn ở tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam. (Ảnh: Foxconn) |
Công nghệ lưỡng dụng là những sản phẩm có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Danh sách kiểm soát mới của Trung Quốc bao gồm các vật liệu chiến lược như tungsten, graphite, gali, germani và antimon, gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghệ.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng khi chính quyền Tổng thống Biden áp đặt các biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến, đồng thời đưa hơn 140 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại. Trung Quốc đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu một số vật liệu quan trọng sang Mỹ, làm phức tạp thêm tình hình.
“Mọi vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến Apple mà còn tác động đến nhiều công ty công nghệ Mỹ khác”, một lãnh đạo trong chuỗi cung ứng của Apple chia sẻ. Ông cho biết, các biện pháp kiểm tra gắt gao tại hải quan Trung Quốc đã làm chậm quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi nước này.
Kể từ năm 2019, Apple đã đầu tư khoảng 16 tỷ USD vào Việt Nam thông qua chuỗi cung ứng nội địa và tăng gấp đôi mức chi tiêu hàng năm trong cùng thời gian. Tính đến năm ngoái, số lượng nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam tăng từ 21 lên 25, với hơn 70 nhà máy và 250.000 lao động. Foxconn, đối tác sản xuất chính của Apple, cũng đã đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% iPad, 5% MacBook và 65% AirPods của Apple, khẳng định vị thế quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù các công ty Mỹ như Apple, Microsoft, Google và Dell đã đẩy mạnh mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á, họ vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và thiết bị từ Trung Quốc để xây dựng dây chuyền sản xuất mới. Việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế đòi hỏi thời gian và chi phí lớn, tạo thêm thách thức cho kế hoạch giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
>>Năm mặt hàng không nên mua qua mạng để tránh mất thời gian và tiền bạc 
Nhận hối lộ hơn 20 tỷ, cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục bị đề nghị án 12-13 năm tù 
TPBank nhận khoản vay 220 triệu USD từ 'đại bàng' DFC và JICA