Bà cô từ một huyện nhỏ ở Quảng Ninh nghiên cứu đầu tư vào blockchain khiến ông Hoàng Nam Tiến bất ngờ
Việc một bà cô từ một huyện nhỏ ở Quảng Ninh tham gia vào các chủ đề như blockchain và AI là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển mạnh mẽ và lan rộng của công nghệ.
Mới đây, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, đã chia sẻ một câu chuyện khiến nhiều người bất ngờ.
Ông kể lại khi tham gia Hội thảo “Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai”, ông đã giật mình khi gặp một bà cô đến từ huyện Quảng Ninh, người tự giới thiệu rằng đang đầu tư vào blockchain. "Khi bước vào sảnh chính, tôi giật mình không biết liệu mình có đi nhầm chỗ hay không vì gặp rất nhiều cô chú, tôi nghĩ đây không phải là những người làm nghiên cứu công nghệ", ông Tiến chia sẻ. Ông cảm thấy bất ngờ khi nghe về sự quan tâm và đầu tư của những 'nhà đầu tư đặc biệt' này vào công nghệ blockchain, một lĩnh vực thường chỉ dành cho những người chuyên môn trong ngành công nghệ.
Hội thảo “Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai” |
Sự việc này đã khiến ông Tiến cảm thấy vô cùng phấn khích. Ông khẳng định, công nghệ hiện nay đã “dân chủ hóa” những điều tưởng chừng chỉ có giới chuyên gia công nghệ và sinh viên các trường kỹ thuật mới có thể tiếp cận. Việc một bà cô từ một huyện nhỏ ở Quảng Ninh tham gia vào các chủ đề như blockchain và AI là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển mạnh mẽ và lan rộng của công nghệ.
Ông Tiến tiếp tục chia sẻ về sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) và những tác động của nó đến xã hội. Theo ông, sự xuất hiện của Chat GPT vào tháng 11/2022, dù chỉ là một phần nhỏ của AI, đã góp phần "dân chủ hóa" công nghệ này, khiến mọi người, từ học sinh, sinh viên đến những người không chuyên, đều có thể tiếp cận và sử dụng.
Một trong những thay đổi rõ rệt mà AI mang lại là cách học và dạy. Ông Tiến chỉ ra rằng rất nhiều học sinh và sinh viên hiện nay đang sử dụng công cụ AI như Chat GPT, Copilot, Gemini để làm bài tập, luận văn. Điều này đã khiến các giáo viên không thể lờ đi thực tế này và buộc phải thay đổi phương pháp giảng dạy sao cho học sinh, sinh viên vẫn phải "vất vả" để hoàn thành bài tập dù có sự trợ giúp của AI.
>> Ông Hoàng Nam Tiến: Bảo vệ ở FPT cũng phải học về AI để bắt kịp thời đại 
Tại Tập đoàn FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đã yêu cầu mọi nhân viên, học sinh, sinh viên, và khách hàng phải có một trợ lý AI để hỗ trợ công việc. Trong Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (VTIS) 2024 được tổ chức vào tháng 11/2024, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã chia sẻ về một vấn đề quan trọng nhất: Dữ liệu. “Nếu chỉ có thể chọn một từ để mọi người ghi nhớ, tôi chọn Data (dữ liệu). Mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu”, ông khẳng định. Dữ liệu chính là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và thế giới trong kỷ nguyên số. Theo ông, mọi công nghệ đều phát triển xoay quanh dữ liệu và dữ liệu sẽ là nguyên liệu quan trọng nhất của thế giới mới.
Công nghệ blockchain thu hút sự quan tâm từ nhiều lứa tuổi |
Khái niệm blockchain - công nghệ chuỗi khối, được hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành các khối khác nhau, đồng thời kết nối chúng lại để tạo thành một chuỗi dài. Trong trường hợp có thêm thông tin mới, chúng sẽ được lưu vào khối mới và được nối vào khối cũ, để tạo thành một chuỗi mới.
Dữ liệu có sự nhất quán theo trình tự thời gian, không thể xóa hoặc sửa đổi chuỗi mà không có sự đồng thuận từ mạng lưới. Chính bởi đặc điểm này, công nghệ chuỗi khối hiện đang được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các dữ liệu đã được hệ thống chấp nhận sẽ không thể thay đổi. Do đó, blockchain được sử dụng để chống lại các hành vi gian lận hoặc thay đổi dữ liệu.
Các số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành blockchain gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Số lượng tin tuyển dụng công khai liên quan đến blockchain cũng tăng nhanh qua từng năm. Điển hình là năm 2017 có 4.000 tin tuyển dụng. Nhưng đến năm 2019 con số này là 12.000 tin. Đến thời điểm hiện tại, tin tuyển dụng nhân sự blockchain tăng lên gấp nhiều lần.
Thị trường việc làm trên khắp thế giới đều ráo riết săn tìm những nhà phát triển và kiến trúc sư blockchain, nhất là khu vực Âu - Mỹ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thị trường việc làm Việt Nam. Hiện tại thị trường chỉ đáp ứng được 430.000 lao động. Có đến 20.000 vị trí cần tuyển dụng nhưng vẫn đang bỏ trống vì chưa tìm được nhân sự phù hợp. Các công ty sẵn sàng trả lương cao hơn từ 20 - 30% so với các vị trí việc làm IT khác để thu hút nhân tài.
Một báo cáo gần đây của nền tảng đánh giá kỹ năng công nghệ DeSkiller cũng chỉ ra rằng, chỉ trong năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm trong lĩnh vực blockchain đã tăng ở mức kỷ lục 552%, chứng minh cán cân cung - cầu đang mất cân bằng trầm trọng bởi số lượng nhân sự đạt yêu cầu quá ít so với nhu cầu khổng lồ của thị trường.
Điều đáng lưu ý, nhu cầu về blockchain rất lớn nhưng hiện chưa có nhiều chương trình đào tạo chính quy tại các trường đại học hoặc trung tâm đào tạo tại Việt Nam, hoặc nếu có cũng chỉ dạy sơ về kiến thức tổng quát về công nghệ mà không đi sâu khai thác về tính ứng dụng thực tế.
Ông Trương Gia Bình khẳng định, dữ liệu chính là “dầu mỏ” của tương lai. “Tất cả dữ liệu các bạn có thể thu thập đều có thể biến thành tiền. Ai biết khai thác, chế biến và sử dụng dữ liệu, người đó sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao mới”, ông nhấn mạnh.
>> 'Bố già' AI thế giới đối thoại với Chủ tịch FPT về đạo đức AI