Bà đồng trẻ tuổi Hàn Quốc nổi tiếng nhờ mạng xã hội
Với tượng Phật và các vị thần bản địa, nến và nhang, ngôi đền của bà đồng Lee Kyoung-hyun trông giống như của các pháp sư Hàn Quốc từ nhiều thế kỷ trước.
Nhưng pháp sư với biệt danh "Aegi Seonnyeo" hay "Thiên thần nhỏ", bà đồng trẻ Lee Kyoung-hyun kết nối với các "con nhang, đệ tử" của mình qua một tài khoản mạng xã hội với hàng trăm nghìn người theo dõi.
"Thế giới tâm linh được cho là một nơi vô hình, bí ẩn", Lee Kyoung-hyun chia sẻ. Bà đồng 29 tuổi này cho biết kể từ khi cô lập kênh YouTube cá nhân vào năm 2019, ngày càng có nhiều pháp sư Hàn Quốc đăng video về các thực hành tâm linh.
Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế hiện đại và công nghệ cao nhất thế giới. Các cuộc thăm dò cho thấy hơn một nửa dân số 51 triệu người không theo tôn giáo nào. Nhưng sức hấp dẫn của shaman giáo bản địa không hề thay đổi.
Chuyên gia tôn giáo Kim Dong-kyu từ Đại học Sogang, một trường Đại học nghiên cứu tư nhân ở Seoul, cho biết các pháp sư thường quảng bá bản thân trên báo chí. Ông nói rằng việc chuyển sang sử dụng mạng xã hội là một “hiện tượng tự nhiên”.
Bà đồng Lee Kyoung-hyun chuẩn bị các thần cụ cho một buổi làm lễ. Ảnh: Reuters |
Google Trends cho thấy số lượt tìm kiếm trên YouTube về từ khóa "pháp sư" và "bói toán" bằng tiếng Hàn đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua.
Gần đây, dư luận Hàn Quốc càng xôn xao về bộ phim "Exhuma", kể về hành trình của các pháp sư được giao nhiệm vụ hóa giải lời nguyền lên một gia đình và cả đất nước.
Bộ phim mô tả những pháp sư ăn mặc bảnh bao ở độ tuổi 20 và 30, trong khi đạo diễn Jang Jae-hyun cho biết ông đã phát hiện ra nhiều pháp sư trẻ khi quay phim.
Bộ phim đã thu về ít nhất 132 tỷ won (97 triệu USD) trên phạm vi quốc tế, thu hút sự quan tâm đến truyền thống tôn giáo. Theo dữ liệu của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, khoảng 1/5 người Hàn Quốc đã xem "Exhuma".
Pháp sư Eunmi Pang, 51 tuổi, người đã tu luyện gần 20 năm, cho biết: “Mọi người thường che giấu rằng họ sống như một pháp sư. Có rất nhiều sự kỳ thị”. Bà cho rằng các pháp sư ngày nay sẵn sàng thể hiện và đề cao bản thân hơn.
Theo Pang, các pháp sư thường tính phí khoảng 100.000 won (1,8 triệu đồng) cho một buổi tư vấn kéo dài từ 30 đến 60 phút. Họ đưa ra lời khuyên về mối quan hệ, hướng dẫn tìm kiếm việc làm và dự đoán về tương lai.
Các pháp sư thường trả lời các câu hỏi sau khi tiến hành các nghi lễ có thể liên quan đến việc rung chuông và vãi hạt gạo.
Họ cũng có thể hát, nhảy và đi trên lưỡi dao để kêu gọi sự can thiệp của thần thánh. Mặc dù các tập quán khác nhau, nhưng nhiều pháp sư Hàn Quốc thờ cúng các vị thần bản địa như Sơn Thần, Long Vương.
Park Chea-bin, một Phật tử 33 tuổi, đã đến gặp bà đồng Lee Kyoung-hyun khi cô đang loay hoay tìm việc làm vào năm 2020. Park cho biết cô cảm thấy “yên tâm” sau khi tham khảo ý kiến của bà đồng.
Park, người đã tìm được việc làm gần như cùng thời điểm xem bói, cho biết: “Lúc đó tôi rất lo lắng, nhưng tôi đã trở nên thoải mái hơn một chút sau khi quyết định bỏ qua mọi thứ và tập trung vào những gì mình cần làm”.
“Tôi là một Phật tử, nhưng tôi biết những người theo đạo Cơ đốc cũng tới xin các lời khuyên”, Park nói.
Lee Kyoung-hyun cho biết cô đã cảm thấy đau đớn về thể xác và bị rối loạn tâm thần từ khi còn là một thiếu niên, những triệu chứng mà một số người Hàn Quốc tin là dấu hiệu cho thấy người này có khả năng tâm linh.
Cô quyết định đi sâu vào thế giới tâm linh từ năm 2018 và lập kênh YouTube, hiện có hơn 300.000 người đăng ký. Lee thường đăng video về các chủ đề như những món đồ cô ấy mang theo trong túi và vận mệnh của đất nước.
“Tình trạng hiện tại của xã hội Hàn Quốc là một yếu tố không thể bỏ qua”, Lee nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều khách hàng thuộc thế hệ trẻ đến gặp cô với những lời than phiền về chi phí sinh hoạt.
Theo một báo cáo của Chính phủ, tại thành phố Seoul, nơi bà đồng Lee sinh sống, giá nhà cao hơn 15 lần mức lương trung bình vào năm 2022, tăng từ mức 8,8 vào năm 2017.
Han Seung-hoon, Phó Giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Hàn Quốc, cho biết thế hệ pháp sư trẻ sống trong thành phố có thể kết nối tốt với những khách hàng trẻ tuổi đang đối mặt với những thách thức kinh tế mà họ không thể tìm ra câu trả lời.
Bà đồng Kyoung-hyun được nhiều người trẻ Hàn Quốc tìm đến để chia sẻ những nỗi lo toan. Ảnh: Reuters |
Một cơ quan của Bộ Văn hóa ước tính vào năm 2022 có khoảng 300.000 đến 400.000 pháp sư và thầy bói ở Hàn Quốc.
Cơ quan này viết trên trang web của mình rằng shaman giáo là “một phần quan trọng và mạnh mẽ trong tính cách Hàn Quốc”. Phó Giáo sư Han cho biết nguồn gốc của shaman giáo trên bán đảo Triều Tiên đã có từ ít nhất 2.000 năm trước.
Chính quyền thuộc địa Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 và chế độ độc tài quân sự những năm 1970 đã cố gắng đàn áp shaman giáo, điều mà họ coi là trở ngại cho quá trình hiện đại hóa của tôn giáo bản địa.
Những người theo đạo Cơ đốc, vốn nắm nhiều quyền lực chính trị và chiếm khoảng 1/4 dân số, cũng đã chỉ trích các pháp sư và những tín đồ.
Phó Giáo sư Han lưu ý rằng các tôn giáo lớn hơn như Cơ đốc giáo và Phật giáo, vốn có ảnh hưởng lớn hơn trong xã hội, nhưng không bị chỉ trích ở mức độ tương tự.
Bà đồng Lee Kyoung-hyun cho biết ngay những người theo đạo Cơ đốc cũng đến gặp các pháp sư: “Ngay cả những người đi nhà thờ cũng muốn được xin lời khuyên về các cơn ác mộng".
Gần đây hơn, một số pháp sư đã gặp rắc rối về mặt pháp lý. Theo truyền thông Hàn Quốc, một pháp sư 66 tuổi ở Seoul đã bị kết án 4 năm tù vào tháng 2 sau khi bị kết tội lừa gạt một khách hàng hơn 200.000 USD.
Tòa án phán quyết rằng thầy cúng đã giả vờ nói chuyện với người mẹ đã khuất của khách hàng.
Lee Kyoung-hyun cho rằng việc pháp sư đưa ra quyết định cho khách hàng là sai lầm. Thay vào đó, cô nói rằng các pháp sư đóng vai trò là người hướng dẫn, giống như bạn bè và gia đình đưa ra lời khuyên, chứ không phải là người đưa ra quyết định.
“Các pháp sư đóng vai trò cố vấn tinh thần", chuyên gia tôn giáo Kim Dong-kyu nói.
Một số người trong giới thượng lưu Hàn Quốc có mối liên hệ với các pháp sư.
Min Hee-jin, một Giám đốc điều hành giải trí hàng đầu bị lôi kéo vào một vụ tranh chấp kinh doanh với một hãng thu âm lớn của K-pop, đã tự bảo vệ mình trong một cuộc họp báo vào tháng 4 trước những cáo buộc rằng cô đã hỏi ý kiến một pháp sư vì mục đích kinh doanh.
Một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí BMC Psychiatry đã ghi nhận khoảng cách "rất lớn" giữa việc người Hàn Quốc cần và nhận được điều trị sức khỏe tâm thần, điều này một phần là do sự kỳ thị của xã hội.
Theo Phó Giáo sư Seung-hoon, nhiều người Hàn Quốc vẫn coi shaman giáo "là một thứ gì đó bẩn thỉu, đáng ngờ và đáng sợ”, đồng thời cho biết thêm rằng đôi khi mọi người bị vu cáo dính líu đến các pháp sư nhằm làm tổn hại đến danh tiếng của họ.
>> Triều Tiên cảnh báo đáp trả Hàn Quốc vụ loa phóng thanh và truyền đơn